Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc – Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin nổi tiếng hiểm trở và mang trong mình những cảnh đẹp thu hút khách tham quan, tên gọi của Đèo Pha Đin có nguồn gốc từ tiếng dân tộc Thái là “Phạ Đin”, trong đó Phạ là “trời”, Đin là “đất”, nhắc đến một hàm ý rằng đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất.
Từ xa xưa, câu chuyện kể về một cuộc bàn thảo nhằm vạch định ranh giới hai địa phương bằng cuộc đua ngựa vượt đèo Pha Đin từ người vùng Lai Châu và Sơn La vẫn còn đó và lưu truyền đến hiện tại. “Sau hành trình gian nan, hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí tương đồng nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, ngựa Lai Châu nhỉnh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một đoạn so với phần đèo thuộc Sơn La.”
Trong thời chiến tranh, đèo Pha Đin còn được biết là một trong những tuyến huyết mạch cực kỳ quan trọng trong công cuộc tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của ta. Do đó, Đèo Pha Đin bắt đầu trở thành một biểu tượng của sự gan dạ với hàng nghìn thanh niên xung phong “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Để có thể chặn đứng tuyến tiếp vận tại nơi này này của quân ta, vào năm 1954, quân địch đã cho máy bay oanh tạc suốt 48 ngày đêm ròng rã tại đường quốc lộ 6, trong đó, Đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi là những nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn. Hiện nay, vẫn còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này trên đỉnh đèo.
Sau đó, vào năm 2005, chính phủ đã quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La - Tuần Giáo được thi công và hoàn thành trong vòng 3 năm từ năm 2006 đến năm 2009, đèo Pha Đin được chia thành 2 tuyến cũ và mới từ ngã 3 đỉnh đèo: Trong đó, đèo Pha Đin Cũ dài 32km và đèo Pha Đin Mới được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ với chiều dài giảm còn 26km.
Từ khi được đưa vào sử dụng, đèo Pha Đin mới đã giúp xe cộ lưu thông một cách an toàn hơn đồng thời tuyến đèo Pha Đin Cũ chỉ còn phù hợp cho người dân nơi bản địa hay những du khách thích sự mạo hiểm.
Dù là đèo Pha Đin cũ hay mới, du khách vẫn có những sự mãn nhãn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục. Từ phía xa, cung đèo nhìn như một sợi dây thừng buộc chặt nối giữa những quả núi với nhau, lơ lửng trên mây trời. Tựa như một bức tranh khi cái ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lên xuống của đường đèo hòa mình vào thiên nhiên đẹp đẽ. Dưới chân đèo, du khách đã được mê mẩn với biết bao bản làng hiện lên một cách mộc mạc, đơn sơ, yên bình giữa thung lũng với một màu xanh mướt. Lên lưng chừng đèo, màng sương phủ đầy thảm cây rừng bảng lảng, thấp thoáng những điểm chấm đỏ đỏ, tím tím của hoa gạo, hoa sim. Đi đên ngã 3, mênh mông một không gian mở ra với cái lạnh vùng cao quấn quýt, thảm mây quyện chặt bồng bềnh, núi đồi trùng điệp xa xa...
Không như thời xưa, sức sống ở đây luôn hiện diện hầu như trên cả cung đèo Pha Đin, cái hoang vắng như biến mất. Bởi những năm gần đây, người dân các bản lân cận đã tiến hành họp chợ để buôn bán nông sản và hàng hóa ở địa phương, bà con cũng dần dần tăng gia sản xuất các loại rau củ, hoa quả, phong lan, vật nuôi,… nhiều du khách sau khi dừng chân thưởng ngoạn, cũng chọn mua vài thứ về làm quà.
Cuộc sống ấm no đang đến từng ngôi nhà, ngõ bản người Mông nơi đỉnh đèo Pha Đin bốn mùa mây phủ. Đặc biệt là khi bộ 3 loài cây cà phê - táo mèo - sa nhân được chú trọng phát triển. Chứng kiến sự đổi thay ở đây mới thấy câu nói “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, Mông ăn theo sương mù” được người xưa đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị.