BÁNH KÀ-TUM CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở AN GIANG
Bánh Kà tum là loại bánh có lớp vỏ bên ngoài được làm bằng lá cây thốt nốt và có bề ngoài giống như trái lựu, theo tiếng dân tộc Khmer thì Kà tum có nghĩa là trái lựu. Bánh chỉ xuất hiện vào các dịp lễ, Tết truyền thống cuả các đồng bào dân tộc Khmer như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok om bok. Loại bánh này mang ý nghĩa cho sự sung túc, đủ đầy nên được sử dụng cho các dịp lễ, chiếc bánh có màu sắc đặc biệt, nếu nhìn thoáng qua ta sẽ cảm tưởng như đó là 1 bông hoa trắng. Theo những người dân địa phương cho biết, bánh Kà tum rất khó để làm bởi cách gói rất cầu kỳ, cần sự tỉ mỉ của người gói cho nên không phải ai cũng có thể gói được 1 chiếc bánh Kà tum đúng kiểu.
Về thành phần nguyên liệu để làm ra bánh Kà tum thì đây lại là những thành phần rất quen thuộc, đó chính là: gạo nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối,… Dưới sự hướng dẫn của người dân mà chúng tôi đã tìm hiểu được quy trình để làm ra được loại bánh độc đáo này.
Gạo nếp phải được chuẩn bị bằng cách ngâm qua đêm, sau đó để ráo nước. Đậu trắng cùng với nước cốt dừa sẽ được trộn đều chung với muối và đường cho ngấm gia vị rồi mới gói với bánh. Gạo nếp và nhân được gói trong lớp vỏ lá của cây thốt nốt và được nấu trong nước sôi khoảng 45 phút rồi vớt bánh ra chần với nước lạnh. Thành quả cuối cùng chúng ta sẽ có được bánh Kà tum có lớp ngoài màu vàng nhạt và hình dáng lạ mắt như trái lựu.
Nghe qua cách làm có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ rằng làm ra bánh Kà tum rất là dễ dàng, nhưng sự thật thì trái ngược hoàn toàn. Bởi lẽ khâu gói bánh là khâu có độ khó cực kỳ cao đối với chúng tôi, lá thốt nốt để đạt chuẩn gói bánh là những lá non nằm trên ngọn cây. Sau khi lấy được lá chúng ta cần lau lá thật sạch rồi rọc lá thành từng mảnh nhỏ có độ dài bằng nhau sau đó mới lấy chúng để đan làm vỏ bánh. Vỏ bánh sẽ được đan thành hình vuông rồi cho nhân vào bên trong 1 cách khéo léo, sau đó ta tiếp tục đan kín vỏ bánh lại. Tới phần chóp bánh, bánh Kà tum có phần chóp được thắt tạo hình ra 1 bông hoa đang bung nở. Độ khó của việc gói bánh nằm ở phần chóp bánh và phần thân phải đạt yêu cầu là đều vuông các góc và không được để lộ nhân ra bên ngoài. Mối lá làm vỏ bánh phải được giấu khéo léo dưới vỏ bánh để giúp người ăn có thể lột vỏ bánh dễ dàng hơn, nhưng việc tìm thấy mối lá cũng được xem như là 1 nghệ thuật.
Muốn ăn được bánh Kà tum, người ăn phải tìm được mối lá rồi gỡ ngược về phía cuối bánh, đây được xem như là cách để người ăn có thể cảm nhận được sự kỳ công, sự khéo léo của người thợ làm bánh. Khi ta bỏ được lớp lá ta sẽ thấy lớp vỏ bánh có màu sáng bóng, bên trong lớp vỏ cầu kỳ ấy là phần nếp cùng với nhân đậu. Phần nếp không bị dính vào vỏ bánh, khi ăn vào ta sẽ cảm nhận được nếp dẻo cùng với vị béo từ dừa, đậu trắng giúp tăng độ bùi. Ngoài thưởng thức bằng vị giác ta còn thưởng thức bánh bằng khứu giác, khi ăn bánh Kà tum ta sẽ ngửi được 1 hương thơm đặc trưng của lá thốt nốt non. Nhờ vậy mà món bánh Kà tum đã đem lại 1 hương vị đặc biệt mà không thể nào nhầm lẫn với các món bánh khác được
Bánh Kà tum là loại bánh mang theo nét truyền thống của người Khmer tại vùng đất Ô Lâm. Hiện nay, cơ quan nhà nước tại khu vực này đã có những hỗ trợ cho người dân nơi đây tiếp tục phát huy, gìn giữ những nét đẹp văn hóa ẩm thực của dân tộc. Kèm theo đó là việc nghiên cứu, đổi mới giúp phát triển thêm những món ăn độc đáo của người Khmer An Giang tới cho du khách phương xa.
Nước Việt Nam ta có hình dáng chữ “S” và trải dài theo hình chữ “S” đó là những vùng đất mang cho mình những phong cảnh, con người, văn hóa, ẩm thực,… riêng biệt. Hy vọng rằng tất cả chúng ta, ai cũng sẽ có dịp đi khắp mọi nơi để có thể biết thêm những điều thú vị của nước Việt Nam.