TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI CHĂM ISLAM TẠI NAM BỘ
Trang phục từ xa xưa có tác dụng giúp che chắn cơ thể cho người mặc, về sau xã hội ngày càng phát triển thì trang phục còn có thêm công dụng là giúp người mặc trông xinh đẹp hơn. Sau 1 thời gian dài hình thành và phát triển thì trang phục còn có yếu tố văn hóa của 1 đất nước nói chung và 1 cộng đồng dân tộc nói riêng. Ở nước ta hiện nay có khoảng 33.000 người Chăm Islam hiện đang sinh sống và làm việc tại khu vực Nam Bộ, họ tập trung ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang,… trong đó khoảng 50% sinh sống tại An Giang. Khi tới các khu vực này chúng ta có thể nhận diện ra được cộng đồng người Chăm thông qua trang phục hằng ngày của họ. Trang phục của người Chăm tại Nam Bộ không chỉ duy trì những nét truyền thống đặc trưng mà còn được cải tiến thêm những yếu tố mới từ điều kiện tự nhiên và xã hội Nam Bộ.
Như chúng ta đã biết, để có được diện tích lãnh thổ như ngày nay thì nước Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh và ngoại giao về chính trị. Từ năm 192 đến năm 1832 thì khu vực Trung Bộ và Nam Bộ thuộc về nhà nước Chămpa, người Chăm đã sinh sống và khai hoang, xây dựng vùng đất này. Sau khi nước Champa suy tàn, thì đa số người Chăm chuyển qua định cư tại Kampuchea tuy vẫn còn một số bộ phận người Chăm lựa chọn vẫn ở lại. Sau 1 thời gian dài từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 thì 2 nhóm cộng đồng người Chăm nêu trên đã bắt đầu di cư về tụ tập lại trên bờ sông Mekong và các vùng thuộc Nam Bộ nước ta ngày nay. Về tôn giáo thì người Chăm tại Trung Bộ theo đạo Bà La Môn hoặc là Bàni còn ở Nam Bộ thì người Chăm theo đạo Islam do đó 2 nhóm người Chăm này cũng sẽ có những điểm khác nhau về mặt văn hóa. Ngoài người Chăm ra thì tại khu vực Nam Bộ còn có những cộng đồng dận tộc khác như dân tộc Kinh, Hoa, Khmer; điều này đã góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa của khu vực Nam Bộ.
Người Chăm Islam có bộ trang phục truyền thống với những nét rất riêng. Nam giới sẽ mặc áo và xà rông, trên đầu luôn đội nón kapeak, nón kapeak là điểm đặc trưng cho người nam giới Islam trên toàn thế giới. Thông thường thì nón được làm bằng vải nỉ, nhung hoặc chỉ trắng, ngoài ra thì nón còn được trang trí thêm bằng các hoa văn được thuê lên nón. Người lớn tuổi và trẻ em thường đội nón được làm bằng chỉ trắng. Nếu bạn thấy ai đội khăn vuông thì đó là những người đã đi hành hương qua thánh địa Mecque, chiếc khăn đó là khăn Hadji do họ đã được nhận tước hiệu Hadji cao quý. Ngoài ra thì khi vào các thánh đường thì người điều hành nghi lễ hay còn gọi là Imam cũng được đội chiếc khăn này nhằm tôn lên sự trang trọng. Nam giới thường sẽ mặc áo tự do nhưng vào những ngày quan trọng thì họ sẽ mặc áo sơ-mi,ngoài ra thì còn loại áo truyền thống được gọi là áo Chvéa. Áo Chvéa có màu trắng và rộng, dài qua mông,tay áo rộng và dài, cổ áo cao từ 3-4cm, cổ áo xẻ dọc xuống tới ngực và có nút để cài, áo còn có 2 túi phía dưới. Xà rông nam được làm bằng vải mềm, có họa tiết cùng với màu sắc đa dạng, xà rông thường dài tới cổ chân của người mặc. Xà rông không có gấu quần cũng như lưng quần, chỉ dùng 2 mép vải nối lại với nhau mà tạo thành. Điểm độc đáo của xà rông là các hoa văn của xà rông sẽ nằm dọc giữa thân phía sau người mặc và phần hoa văn này khác với hoa văn chung của xà rông. Vào các ngày lễ thì những vị chức sắc sẽ mặc áo Achuba màu trắng, cổ áo cao và áo dài tới gót chân. Vải áo Achuba thường dày và được mặc chung với xà rông màu trắng tạo nên sự đồng nhất về màu sắc và phù hợp với sự trang trọng của ngày lễ. Còn đối với các nam giới không phải chức sắc thì vào ngày lễ sẽ mặc áo Korong màu trắng thay vì Achuba, cùng với áo là xà rông cũng là màu trắng. Ngoài áo và xà rông thì họ còn có thể choàng thêm 1 khăn trắng (khăn phải dài quá lưng) cùng với đội vòng Ykal hoặc thắt dây Ykal. Người Chăm Islam quan niệm rằng màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch cho nên họ thường sử dụng màu trắng cho trang phục của mình.
Theo đạo Islam thì nữ giới phải choàng khăn che mặt và áo phải phủ kín cả 2 tay của mình. Họ phải che toàn bộ phần tóc của mình vì theo quan niệm tôn giáo Islam nếu phụ nữ không che mái tóc là những người không đứng đắn. Tuy nhiên trang phục của người Chăm Islam ở Nam Bộ có phần thoáng và linh động hơn, nữ giới chỉ cần che đi mái tóc của mình mà không cần phải che khuôn mặt, điều này tạo sự thuận tiện cho sự sinh hoạt hơn rất nhiều. Khi còn nhỏ thì nữ giới sẽ được thoải mải lựa chọn về việc có phải choàng khăn hay không, tuy nhiên khi họ đủ từ 15 tuổi trở lên thì choàng khăn là điều bắt buộc. Khăn choàng ở đây được gọi là Khanh ma-om hoặc là Matera, loại khăn này được làm bằng vải mịn và mỏng. Chiếc khăn choàng thể hiện rất rõ nghệ thuật của người Chăm và góp phần tôn lên nét đẹp của người phụ nữ. Trên khăn Matera sẽ được thêu hoa văn đa dạng, phần rìa khăn được trang trí thêm viền kim tuyến. Tùy theo địa điểm mà nữ giới Chăm Islam sẽ lựa chọn loại khăn cho phù hợp, ví dụ như khi ở nhà thì khăn Matera sẽ có họa tiết đơn giản nhưng khi tham gia những buổi tiệc thì khăn sẽ có trang trí cầu kỳ hơn. Phụ nữ Chăm Islam tại Nam Bộ khi ở nhà thường sẽ mặc loại áo tay ngắn, váy dài tới gót chân, bít tà. Còn khi nhà có khách hoặc ra đường thì họ sẽ mặc vày cùng với áo tay dài, trên đầu sẽ đội thêm 1 chiếc khăn dài hoặc vắt chéo qua cổ buông mối ở phía trước để che mặt. Phụ nữ Chăm Islam có 3 loại váy là Khanh kak, Khanh kek và Khanh pà thuộm. Những người phụ nữ lớn tuổi thường mặc Khanh kak vì chúng làm bằng tơ và có màu sậm, Khanh kek thì được làm bằng chỉ kim tuyến sặc sỡ nên được người trẻ ưa thích ơn. Riêng váy Khanh pà thuộm thì sẽ được mặc vào dịp các nghi lễ nên chúng được làm bằng tơ tằm và có họa tiết cổ điển để phù hợp với văn hóa truyền thống. Vào các dịp lễ hội quan trọng thì người Chăm còn mặc áo Aw kamei, loại áo này cũng giống áo dài của người Kinh, áo rộng và dài tới gối, không xẻ tà, cổ áo hình tròn hoặc trái tim. Tuy nhiên thì giới trẻ người Chăm thường mặc áo dài qua đầu gối cùng với tay áo sẽ bó sát vào cánh tay, áo ôm sát người để tôn lên vẻ đẹp của người mặc.
Được kế thừa những đặc trưng từ trang phục của người Chăm ở khu vực Trung Bộ và các nét văn hóa của tín đồ đạo Islam, nên trang phục của người Chăm Islam ở Nam Bộ vô cùng đặc sắc. Ngoài những yếu tố thiên về truyền thống thì họ cũng chấp nhận thêm những văn hóa từ những cộng đồng dân tộc khác cùng sinh sống tại khu vực này. Những điều này đã làm nổi bậc lên hình ảnh của người Chăm khi họ tiếp xúc với mọi người và nhờ vào trang phục mà khó có thể nhầm lẫn người Chăm Islam với những dân tộc khác.
Người Chăm Islam cũng phát triển về nghề dệt thổ cẩm bằng những sản phẩm vô cùng tinh xảo và độc đáo. Các sản phẩm của người Chăm Islam được làm từ các nguyên liệu như là vỏ, nhựa, trái, lá,… từ các cây có sẵn tại khu vực họ sinh sống. Sản phẩm thổ cẩm được nhiều người yêu thích vì chúng có các hoa văn sống động theo chủ đề thiên nhiên và màu sắc không chỉ rõ nét mà còn khó phai. Làng nghề thổ cẩm không chỉ mang đến kinh tế mà còn truyền bá đi nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Chăm Islam tại Nam Bộ tới những nơi khác thông qua những du khách tới tham quan và tìm hiểu văn hóa nơi đây.
Với người Chăm Islam ở Nam Bộ thì trang phục là dấu hiệu giúp họ nhận biết nhau cũng như phân biệt dân tộc họ với những dân tộc khác. Ngày nay trang phục cách tân ngày càng nhiều nhưng với người Chăm Islam họ vẫn có thể kết hợp giữa hiện đại chung với truyền thống để gìn giữ bản sắc văn hóa của họ. Đây là sự hòa nhịp với thời đại hay chúng ta còn thường nói đó là “hòa nhập nhưng không hòa tan”!