NGUỒN GỐC TÊN GỌI “CÁ LINH”
Ở miền Tây cứ mỗi khi mùa nước nổi đến lại nghe người dân ngân nga câu hát:
“Nước không chưn (chân) sao kêu nước đứng?
Cò không nhát sao gọi cò ma?
Cá không thờ sao gọi cá linh?”
Cá linh là một loại cá thuộc họ cá chép nhưng thân nhỏ, dài, có màu trắng xanh. Đầu mùa nước nổi, cá linh chỉ to bằng cộng chân nhang, người dân quen gọi là cá linh non. Sau đó cá sẽ lớn dần lên, đếm khi con nước giựt thì cá linh cũng lớn hết cỡ, nhưng cũng chỉ bẳng ngon tay cái. Cá linh đầu mùa là ngon nhất, lúc nào cá còn nhỏ, xương chưa cứng có thể ăn luôn xương, lại có mỡ nên cá rất béo.
Tuy nói cá linh vốn đã thân thuộc từ rất lâu với người dân miền Tây, nhưng vì sao nó có tên gọi là cá linh thì lại có rất nhiều giai thoại mà không phải ai cũng có thể biết hết.
Giai thoại thứ nhất được ghi trong một tư liệu bằng tiếng Pháp Excursious et Reconnaissances, q. X, Mai – tháng 6 năm1885, trang 178: “Nguyễn Ánh từ Vàm Nao [con sông nối Tiền Giang với Hậu Giang ở An Giang], nhưng vì thấy cá này [linh] nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai [Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới], vì vậy người [Nguyễn Ánh] đặt tên (cá ấy) là “cá linh” để tri ân” (dẫn lại từ Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, tr 112. Nxb. Văn hóa, 1993).
Giai thoại thứ hai về con cá linh được các bậc tiền bối kể lại rằng cá linh vốn xuất hiện đầu tiên là từ biển Hồ rồi trôi về sông Tiền, sông Hậu. Sau đó sẽ quay về xứ cố hương là xứ chùa Tháp, nên lúc đó người dân hay gọi là “cá lên”, dần theo thời gian người dân miền Tây đọc trại thành “cá linh” và từ đó xuất hiện tên gọi cá linh như bây giờ.
Giai thoại thứ ba về loài cá này là do dân gian cho rằng loài cá này có tính linh thiêng đặc biệt, cứ mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch chúng sẽ quay về nguồn cội của mình. Chính vì đặc tính này mà người dân đã đặc tên cho chúng là “cá linh”.
Còn thêm một giả thuyết khác nữa cho rằng nguồn gốc tên cá linh xuất phát từ Khmer là “trêy lênh” (“trêy” trong tiếng Khmer có nghĩa là “cá”), sau đó dần dần người Việt đọc trại từ “lênh” thành “linh” nên từ đó xuất hiện tên “cá linh” trong dân gian.
Lắm giai thoại là vậy, nhưng người dân miền Tây ít ai quan tâm đến nguồn gốc của nó đâu, người ta chỉ quan tâm đây là loài sản vật dồi dào mà ông trời đã ban tặng. Nhiều bậc tiền bối cho biết rằng trước năm 1980, cá linh nhiều vô số kể. Mỗi một hộ gia đình một ngày đặt dớn có thể thu hoạch được tới vài giạ cá linh. Đặt dớn cũng là cách phổ biến nhất để bắt cá linh. Dớn là công cụ được may bằng lưới cước, dùng để đặt ở các khu vực nước chảy, cá bơi men theo đăng dớn vào cái bầu có đú dài chừng 5 mét, cá một khi đã lọt vào đú thì không thể bơi ra được. Đến mùa nước giựt người ta thường đặt đáy ở các vàm sông, cá từ đồng rút ra sông lớn sẽ lọt hết vào đáy. Có lúc cá vào đáy nhiều quá người ta không thể nào nhấc đáy lên nổi, phải xả bầu cho cá đi bớt để có thể giở đáy. Người ta không cân cá linh theo kí để bán mà đong bằng thúng, bằng bao. Câu thành ngữ “Rẻ như cá linh” cũng vì thế mà ra đời. Khi ấy, cá linh nhiều đến nổi người ta còn chằng thèm ăn, người dân phải ủ làm nước mắm hoặc làm mắm để dành cho mùa khô hạn.
Nước mắm được ủ từ cá linh rất ngon và phổ biến thời ấy. Tới tận bây giờ, một số người dân miền Tây vẫn giữ thói quen ủ cá linh để chế biến nước mắm dùng quanh năm. Thời pháp thuộc, nhiều người còn nấu cá linh để lấy mỡ cá thắp đèn.
Nhưng đó là chuyện của hơn vài chục năm trước, vài năm trở lại đây cá linh cũng thưa thớt dần theo con nước. Bởi lẽ, nước nổi đã không còn tràn về Đồng bằng sông Cửu Long như xưa nữa nên cá linh cũng bặt tăm theo đó. Những hộ dân đã sắm sửa xuồng ghe, lưới dớn để chuẩn bị cho vụ đánh bắt mùa nước nổi nay cũng đành ngậm ngùi. Người dân xứ miền Tây nay đã không còn nói câu “rẻ như cá linh nữa” bởi cá linh ngày càng ít, giá trị cũng càng tăng theo. Bắt được mớ nào là có người chực chờ để mua mớ ấy.
Ngày nay, cá linh đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn lớn ở khắp mọi nơi. Đương nhiên là với một mức giá cũng không hề rẻ, nhưng vẫn làm thực khách khắp mọi miền say mê vì độ ngon và nhiều cách chế biến hấp dẫn như cá linh lăn bột chiên giòn, cá linh kho khóm (dứa), cá linh nấu canh chua ăn cùng với bông điên điển, cá linh nấu lẩu mắm,…
Dù là bất kì người ở nơi đâu, mỗi khi có dịp ghé về miền Tây mùa nước nổi bạn nên thử món sản vật này. Vì người miền Tây bảo nhau rằng, biết đâu chừng mai đây cá linh chỉ còn trong ký ức, trong những huyền thoại một thời của xứ miền Tây mùa nước nổi.