Loading...

Bánh xèo miền tây – Món ăn của sự kết hợp hài hòa


Có thể nói Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đa dạng với nhiều loại bánh mặn mang những hương vị khác nhau. Nếu như đặt chân đến Hà Nội, chúng ta sẽ không khó để thưởng thức món bánh cốm đậm hương vị của người Hà thành; Khi đến với miền trung, bánh bèo lại là thứ mà du khách sẽ không bao giờ muốn bỏ lỡ; Còn với miền tây nam bộ, bánh xèo lại là một món mà chúng ta không thể nào không nhắc đến, một món ăn dân dã nhưng không kém phần đặc trưng của mảnh đất nơi đây.

Bánh xèo miền tây – Món ăn của sự kết hợp hài hòa

Ở các nước Á đông, nhất là ở các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên thì bánh xèo là một loại bánh rất phổ biến. Mỗi quốc gia sẽ có một cách chế biến hoàn toàn riêng biệt ở bánh xèo, tùy cũng được làm từ bột gạo nhưng cách thức để tạo nên một chiếc bánh xèo và hình dáng của nó cũng hoàn toàn khác nhau, từ đó tạo nên bản sắc ẩm thực riêng của từng quốc gia và đó cũng là lý do để bánh xèo miền Tây Nam Bộ nói riêng và bánh xèo Việt Nam nói chung mang đậm “hồn Việt” của quê hương mình.

Xuất phát từ tiếng xèo khi đổ ra chảo, tên gọi “bánh xèo” cũng được ra đời. Bánh xèo miền tây là sự kết hợp độc đáo của văn hóa ẩm thực dân gian Nam Bộ. Bánh xèo miền tây với bánh xèo miền trung tương đối giống nhau nhưng bánh xèo miền tây có phần to hơn bánh xèo miền trung rất nhiều và bên trong nhân sẽ có rất nhiều loại như là thịt gà, thịt vịt, thịt heo bằm hoặc là tôm, tép. Và đặc biệt hơn hết, bánh xèo miền tây còn được ăn kèm trên 20 loại rau vườn khá phong phú, đa dạng như rau lá cách, diếp cá,…

Để tạo nên một chiếc bánh xèo thơm ngon và bổ dưỡng, cần phải có các loại nguyên liệu như sau: Gạo, bột nghệ, có thể sử dụng một ít nước cốt dừa, một vài quả trứng gà và đặc biệt để ngon hơn ở bên trong nhân thì có thể kể đến các loại nguyên liệu như hến, thịt bằm, tôm, tép,… 

Bánh xèo có ngon hay không phần lớn đều phụ thuộc vào cách pha bột. Đầu tiên là việc ngâm gạo, các hạt gạo ngon được chắt chiu cho món bánh sẽ được ngâm qua đêm, bỏ vào một cối xây, sau đó dùng một miếng vải mỏng để loại bỏ tạp chất và cho vào thêm một loại bột khác thật mịn. Tiếp đến, chúng ta sẽ phải cho bột ít bột nghệ vào để bánh có một màu vàng bắt mắt, một vài nơi còn cho thêm vào một ít nước cốt dừa để bánh tăng thêm vị béo haytheme nữa là một vài quả trứng gà để bánh có thêm mùi thơm. Sau đó tôm, thịt sẽ được rửa sạch và thái mỏng, đợi chảo được bắt lên bếp nóng lên, cho vào một ít dầu ăn và bắt đầu xào phần nguyên liệu, nêm nếm đến khi nào cảm thấy vừa ăn thì cho ra bát. Bên cạnh đó sẽ là một chiếc chảo nữa được đưa lên bếp, cho dầu ăn vào và lán đều hai muỗng bột quanh thành chảo, cho phần nhân khi nãy vào, cộng thêm một ít giá và bột sắn, khoảng 2-3 phút sau đó, chúng ta sẽ gấp đôi bánh xèo lại và rác đến khi nào hai mặt của bánh xèo đều giòn thì cho ra dĩa. Thế là một chiếc bánh xèo vừa thơm ngon vừa đẹp mắt đã nằm gọn gàng ở đấy để chờ chúng ta thưởng thức!

Nước chấm cũng là một phần “linh hồn” để làm tăng thêm độ ngon của bánh xèo, đòi hỏi sẽ phải kết hợp được hài hòa vị cay nồng của ớt và vị chua của chanh, một chút ngọt của đường và một chút mặn của nước mắm. Sau đó chúng ta có thể cho thêm vào một ít củ cải đỏ hay củ cải trắng thái sợi để chén nước chấm thêm phần hấp dẫn và đẹp mắt hơn.

Với người dân phương nam, bánh xèo như có gì đó rất quan trọng và thiêng liêng, đồng thời từ đó, bánh xèo cũng đã được người dân nơi đây coi là món ăn quốc hồn quốc túy của nền ẩm thực Việt Nam. Có thể thấy trong những dịp như Tết Đoan ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hay trong những dịp cúng lễ, món bánh xèo luôn được xuất hiện. Đặt biệt hơn là những dịp quây quần bên gia đình, con cháu anh chị em, người ta sẽ làm bánh xèo để mọi người dịp cùng nhau thưởng thức và nhớ về những món ăn đặc sản của quê hương.

Có được một chiếc bánh xèo là cả một “nghệ thuật”, người đổ ra một chiếc bánh xèo thơm ngon là một “nghệ nhân”. Tuy nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thật sự để làm được một chiếc bánh xèo đủ vị, đậm đà và thơm hương thì không phải chuyện dễ. Bánh xèo ai làm cũng được, nhưng bánh xèo ngon thì cần phải học hỏi rất nhiều mới có thể thành thạo làm ra. Ngoài cái vàng của nghệ, cái beo béo của nước cốt dừa, cái giòn tan của bột thì các loại rau để ăn kèm còn góp phần để tạo nên “dấu ấn” của loại bánh này ở phương nam. Cắn một miếng bánh xèo, chấm vào chén nước mắm, đâu đó cái giòn tan ban đầu, vị ngọt thanh của thịt, vị béo của cốt dừa, cái chua chua chát chát của đọt xoài non, cái hăng hăng nồng nồng rau thơm, diếp cá,… tất cả hòa quyện hài hòa để tạo nên một chiếc bánh xèo đậm vị miền tây.

Tin tức liên quan

Xem thêm
Các tour liên quan
Xem thêm