CÁC NGÔI CHÙA ĐẶC SẮC Ở SÓC TRĂNG
- Chùa Vĩnh Hưng (chùa Đá)
Nằm trên con đường Trần Hưng Đạo thuộc phường 2 TP.Sóc Trăng được xây dựng vào năm 1912. Chùa có diện tích gần 7000 mét vuông, chùa được xây trên mảnh đất do bà Đinh Thị Định là một phật tử hiến tặng cho chùa.
Ngôi chùa được xây dựng hoàn toàn bằng đá nguyên khối cho nên mọi người còn gọi chùa Vĩnh Hưng là chùa Đá. Điểm nhấn của công trình này là mỗi khối đá đều có cùng kích thước là 30x20x20cm tạo nên sự đồng nhất cho toàn bộ công trình. Chùa được xây dựng theo phong cách của Nhật Bản thay vì là các kiểu dáng theo truyền thống.
Chùa Vĩnh Hưng được bà con Phật tử trong nước cũng như những Phật tử hiện đang sinh sống tại nước ngoài hỗ trợ kinh phí và cung thỉnh chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự tiến hành tu sửa lại chùa vào tháng 9 năm 2009.
Công trình này là tâm huyết của Thượng tọa Thích Thanh Chương, tuy nhiên khi công trình mới hoàn thành được phần cơ bản vào năm 2013 thì ông đã qua đời do bệnh. Hiện nay chùa vẫn còn 1 số hạng mục chưa được hoàn thành nhưng về tổng quan thì chùa đã có được điểm nhấn riêng cho mình về phong cách kiến trúc.
- Chùa Dơi (chùa Mã Tộc, chùa Mahatúp)
Từ trung tâm thành phố, chúng ta đi về phía Đông Nam ước chừng 2,5km thì ta sẽ thấy chùa Dơi. Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt vì duy chỉ có ngôi chùa này là thờ Phật Thích Ca của người dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Vào năm 1999, chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Lý do mọi người gọi đây là chùa Dơi bởi vì đây cũng là nơi sinh sống và cư ngụ của hàng nghìn con dơi. Dơi ở nơi đây có trọng lượng khoảng 1,5 kg cùng với sải cánh lên tới1,5 mét. Còn tên chùa khi mới được xây vào năm 1569 theo tiếng Khmer là Serây tê chô mahatúp có nghĩa là chùa do phúc đức tạo nên.
Chùa được xây dựng từ gỗ, gạch, các vách được làm bằng đất và mái thì lộp lá. Về sau này sau nhiều lần trùng tu và cải tạo thì chùa đã mở rộng về quy mô và có phong cách Angkor cùng với nét kiến trúc Việt như hiện tại.
Bên trong chùa có những hiện vật như tượng Phật Thích Ca được làm bằng đá nguyên khối được đặt trên tòa sen cao 2m; tượng Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda; ngoài ra thì còn có các vật dụng,dụng cụ âm nhạc, kinh luật cổ. Dù đã hơn 450 năm trôi qua nhưng tất cả các hiện vật tại chùa đều được giữ gìn nguyên vẹn.
Ngoài những hiện vật trên, thì chùa vẫn còn giữ 1 tấm bản đồ mang giá trị to lớn về mặt lịch sử. Đó là tấm bản đồ cổ có thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Đây là 1 bằng chứng lịch sử chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và không thể tách rời.
- Chùa Đất Sét
Nằm trong top 6 ngôi chùa đẹp nhất tại miền Tây, chùa Đất Sét được xem là 1 công trình vĩ đại của họ Ngô tạo ra trong 100 năm qua. Chùa được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2010. Vào năm 2017 thì Bửu Sơn tự Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa bằng đất sét được Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là lớn nhất.
Đầu thế kỷ XX, ông Ngô Kim Tòng vốn là người có niềm đam mê với tượng và nghiên cứu về kinh Phật. Sau 1 lần ông mắc bệnh nặng tưởng không cứu chữa được nhưng sau khi vào chùa cầu xin Đức Phật thì bệnh của ông giảm nhẹ và hết hẵn. Tin rằng lời cầu xin của mình đã được Đức Phật chứng giám nên ông quyết định trùng tu lại chùa và đi tu. Trong thời gian ở chùa và qua đời vào năm ông 62 tuổi thì ông đã nặn, gọt, sơn vẽ tạo ra hàng ngàn pho tượng vô cùng sống động.
Hiện nay trong chùa Đất Sét vẫn còn lưu giữ những bức tượng được nặn bằng đất, trong đó có 208 tượng Phật, 156 tượng rồng uốn khúc nằm đỡ mái tháp và 8 ngọn nến khổng lồ. 8 cây nến đó hiện tại còn 6 cây chưa sử dụng, 2 cây hiện đang cháy nhưng ước chừng phải mất 70 năm mới cháy hết.
Chùa thể hiện được tư tưởng hài hòa, bài trí tượng thợ theo “Tam giáo đồng nguyên”, chùa thờ A Di Đà, Di Lặc, Quan Âm, Khổng Tử, Ngọc Hoàng,….
- Chùa Khleang
Là một trong những ngôi chùa cổ nhất với tuổi đời gần 500 năm, chùa Khleang là chùa Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1990.
Chùa được xây dựng vào năm 1532 theo lệnh của vua nước Chân Lạp lúc bấy giờ là Ang Chăn. Do nhà vua thấy tại khu vực này không có chùa chiền, với mong muốn để người dân có nơi hành đạo nên đã ra lệnh cho quan địa phương xây dựng chùa Khleang. Chùa được mọi người dân trong vùng đóng góp công sức và của cải để xây dựng lên. Trải qua nhiều giai đọan lịch sử, tới ngày nay chùa vẫn giữ được cho mình nét kiến trúc Angkor Khmer truyền thống.
Tổng quan chùa là 1 kiến trúc lỗng lẫy, cổ kính và toát lên vẻ uy nghi của nơi thờ cúng các vị thần linh. Chùa mang lại những giá trị về mặt đời sống, văn hóa và tinh thần cũng như là điểm tham quan cho khách phương xa khi tới vùng đất Sóc Trăng.
- Chùa Chén Kiểu
Từ Sóc Trăng, chúng ta đi thêm 12km về hướng tỉnh Bạc Liêu. Tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên thuộc tỉnh Sóc Trăng chúng ta sẽ thấy được chùa Chén Kiểu.
Chùa được xây dựng vào năm 1815, vật liệu xây dựng ban đầu rất đơn sơ chỉ là cây và là rừng. Chùa đã được xây dựng lại vào năm 1969 và hoàn thành vào năm 1980, lý do phải xây lại chùa là do chiến tranh tàn phá.
Chùa còn có tên là Wath Sro Loun theo tiếng của người Khmer, tên này có nguồn gốc từ Chro Luong là tên của 1 con rạch ở gần chùa. Người Việt ta thì đọc chạy từ Sro Loun thành Sà Lôn nên chùa Chén Kiểu còn được người trong vùng gọi là chùa Sà Lôn.
Tên chùa Chén Kiểu bắt nguồn từ việc trong quá trình xây dựng chùa bị thiếu nguyên vật liệu nên các vị sư đã nhờ bà con trong vùng quyên góp chén, dĩa để ốp lên tường. Điều này không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu thốn vật liệu xây dựng mà còn tạo ra những họa tiết trang trí vô cùng ấn tượng. Nhờ đó mà chùa đã có được nét đẹp riêng biệt và thu hút nhiều du khách tới để tìm hiểu và tham quan chùa.
Không chỉ có kiến trúc ấn tượng mà chùa Chén Kiểu còn có bộ sưu tầm đồ cổ vô cùng quý giá được làm bằng gỗ. Các vật phẩm được làm bằng gỗ quý và chạm khắc tinh xảo, ngoài ra vào năm 1947 thì chùa đã mua lại từ người Pháp chiếc giường bằng gỗ của công tử Bạc Liêu. Giá trị của chiếc giường này hiện nay có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về 5 ngôi chùa đặc sắc tại tỉnh Sóc Trăng. Nếu có dịp thì bạn hãy cùng với gia đình cũng như bạn bè mình ghé Sóc Trăng để tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực, phong cảnh nơi đây. Chắc chắn rằng sự hào sảng của người miền Tây cùng với phong cảnh xanh mát và ẩm thực phong phú của Sóc Trăng sẽ làm bạn nhớ mãi!