Loading...

KÝ ỨC NHỮNG CHUYẾN PHÀ


Miền Tây vốn có đặc thù là sông ngòi chằng chịt, đây là ưu điểm giúp đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt nhưng lại là chướng ngại cho việc lưu thông vì “qua sông lụy đò”. Ngày xưa khi chưa có những cây cầu hiện đại như bây giờ thì để sang được sông người dân phải đi phà, hay Việt hóa từ Pháp ngữ thì dân gian hay gọi là bắc. Từ ngày ấy, hình ảnh chiếc phà đã gắn liền với người dân miệt sông nước, là cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa hay trong những bài đờn ca tài tử - đặc trưng văn hóa vùng đất Phương Nam này.

KÝ ỨC NHỮNG CHUYẾN PHÀ

Theo đó, hàng chục, hàng trăm chiếc phà, đò ngang ở các con sông lớn nhỏ dần xuất hiện, “nối tạm” hai bờ. Có những tỉnh thành chỉ cách nhau con sông mà lại như xa nhau vời vợi, từ khi có những chuyến phà đã được nối gần nhau hơn. Những chuyến phà ngày ấy cũng như những chiếc cầu ngày nay, khi bắt đầu đưa vào hoạt động làm sôi nổi cả một địa phương, tàu xe qua lại tấp nập ngày đêm, không lúc nào thưa người. Người dân xung quanh những bến phà cũng có thêm công việc buôn bán thức ăn, nước uống, những chú xe ôm hay những cô bán hàng rong cũng men theo những chuyến phà mà mưu sinh, từ đó mà nhộn nhịp cả một vùng.

Những chiếc phà hồi đó được thiết kế bằng sắt, chạy bằng động cơ lớn. Hai đầu phà như nhau để xe lên xuống đều dễ dàng mà phà không phải quay đầu lại. Đường đi của phà, bắc đơn giản chỉ qua lại hai bên bờ sông. Những khi phà sắp cặp bến, tiếng còi sẽ hú vang để báo hiệu, người và phương tiện cũng chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình, những người buôn gánh, bán bưng thì tranh thủ mời khách, những thúng trứng cút, trứng gà luộc, những bọc nước mía, cà phê đá, trà đá… hay những chùm mía ghim trên nhánh tre chẻ ra làm tám, làm mười, … được mời chào đon đả. Ở nhiều bến sông, những người bán hàng rong này còn theo khách xuống phà buôn bán, rồi lại quay về. Cứ như thế, những chuyến phà không chỉ đón đưa người dân hai bờ, mà còn chở theo cả nỗi niềm của những con người mưu sinh.

Ngày nay, khi những chiếc cầu hiện đại đã được xây dựng, làm nhiệm vụ kết nối hai bến bờ cũng là lúc những chuyến phà đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khép mình về phía sau. Có những chuyến phà đã tồn tại hằng chục năm, thậm chí hằng tram năm, gắn bó với bao thế hệ của người dân. Nó đã ăn sâu vào cách ăn, nếp sống của những người dân ven bến phà.

Cuốn theo sự phát triển của hiện đại, những chiếc phà đã dần bị “lỗi thời” so với xu thế hội nhập nên đành phải “khép mình” và chuyển giao sứ mệnh quan trọng lại cho những chiếc cầu khang trang, kiên cố. Những bến phà mang theo sự náo nhiệt, ồn ào, tấp nập, đến khi bến phà không còn nữa, những địa điểm này quay lại cột mốc ban đầu của mấy mươi năm về trước, yên tĩnh và vắng vẻ. Dù đã không còn tồn tại nhưng những bến phà đó vẫn sống mãi trong ký ức của người dân miền Tây. Bởi xưa kia, đã không ít lần người miền Tây từng ra đứng ngay bến phà trông người nhà trở về, hay đã bao lần các chàng trai miền Tây đã xao xuyến với những cô gái trong chiếc áo bà ba thướt tha như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết trong bài hát của ông:

“(…) Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba

Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm

Qua bên Bắc Cần Thơ (…)”

Những tiếng máy xình xịch, chậm chạm và cũ kỹ nay còn đâu. Cái buồn của một lữ khách nào đó càng thêm héo hon vì đã không còn được thấy những đám lục bình tím trôi lững lờ trên những dòng sông mênh mông. Mênh mông sông nước cùng với những chiếc phà cứ vậy mà khép lại. Có lẽ hình ảnh một khu chợ thu nhỏ trên những chuyến phà từng ngược xuôi sẽ là thứ khó phai mờ nhất đối với người dân miền Tây. Những tiếng rao hàng, tiếng quát tháo nhau, í ới gọi nhau,….tất cả hòa vào nhau thành một hợp âm mà chỉ những ai đã quá quen thuộc với bến phà sẽ biết rất rõ.

Có những thú vui của những lữ khách là tìm lại được những chiếc phà mà mình đã từng đi qua, nhưng đó cũng không phải điều dễ dàng gì.

Ngày nay, khi tất cả chỉ còn là ký ức. người ta thèm cái cảm giác một đêm nào đó, khi vầng trăng cô đơn soi bóng xuống con sông Tiền, sông Hậu,… mênh mông, lại được nghe tiếng máy xình xịch, cũ kỹ. Thơ mộng làm sao khi đi trên những chuyến phà đêm được nghe tiếng nước vỗ rì rào vào thân phà, như những nỗi buồn được vỗ về và xoa dịu một cách nhẹ nhàng. Ôi! Thân thương làm sao những chuyến phà bình dị trong ký ức!

Tin tức liên quan

Xem thêm
Các tour liên quan
Xem thêm