Loading...

LÀNG NGHỀ CÁ KHÔ BÌNH THẮNG


Nhắc đến miền Tây người ta thường chỉ nghĩ đến những mảnh đất phù sa màu mỡ, trái cây sum xuê và những vựa lúa bạt ngàn. Nhưng mọi người đã quên mất, miền Tây cũng có nhiều tỉnh giáp biển, cũng có những ngư trường lớn với lượng thủy sản dồi dào, từ đó nghề làm cá khô cũng phát triển và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của vùng.

LÀNG NGHỀ CÁ KHÔ BÌNH THẮNG

Sơ lược về làng nghề cá khô Bình Thắng

Nhắc đến cá khô của miền Tây không thể không nhắc đến làng nghề cá khô Bình Thắng, thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Nằm cách biển khoảng 5km và thuộc khu vực cửa sông Tiền, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng có diện tích lên đến 120 ha với 307 hộ dân đã gắn bó và có kinh nghiệm trên 50 năm. Được biết đến là làng nghề lâu đời và lớn nhất tỉnh Bến Tre, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn cá khô các loại.

Với lợi thế giáp cửa biển và có nhiều kênh rạch đã khiến Bình Đại trở thành vùng có nguồn tôm cá dồi dào nhất của tỉnh Bến Tre, từ cá nước ngọt, nước lợ đến cá nước mặn đều có đầy đủ.

Tại đây, ngoài khô cá đù một nắng, khô cá đuối, khô mực là đặc sản thì còn có khô cá ngát, rất khó tìm được ở nơi khác. Cá ngát được xẻ tươi, tẩm ướp gia vị vừa ăn, sau khi phơi thịt cá trong, đỏ au, nhìn thì hấp dẫn, ăn thì rất ngon.

Trước đây, nơi này vốn chỉ tập hợp những hộ dân làm khô nhỏ lẻ, nhưng lâu dần thì phát triển rộng ra, cung cấp khô cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Do khô tại nơi đây được phơi thủ công bằng nắng tự nhiên nên khô rất ngon và rất được ưa chuộng. Đặc biệt là vào dịp gần Tết, làng nghề càng tất bật để có thể cung ứng đủ cho thị trường.

Sự khéo léo của những người làm nghề.

Nghề nào cũng có những vất vả riêng, chỉ những ai làm nghề mới hiểu được nổi khổ của nó, nhưng một khi đã gắn bó rồi thì khó mà từ bỏ được. Một trong những quy trình phổ biến nhất, được hầu hết các hộ dân tại làng nghề cá khô Bình Thắng áp dụng là khi ngư dân bắt được cá mang về cảng, những chiếc ghe, tàu cập bến với đầy ắp thủy sản đủ loại từ cá lớn, cá bé, cá tươi, cá muối đá,…. Người ta sau đó sẽ vận chuyển đến xưởng chuyên làm khô. Tại đây, những người làm thuê đa số là những người dân tại địa phương, tại xã, tại ấp. Sau khi cá được mang về xưởng, mọi người sẽ chia nhau mang về chổ mình rồi xẻ khô. Con dao bé xíu, bén thật bén, xẻ thoăn thoắt mà không cần nhìn, nhanh nhảu tay thì lấy cá, tay thì lóc xương chẻ con cá làm hai chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Ta nói, ai mà chứng kiến cảnh người thợ làm khô tại đây xẻ cá chắc phải lạnh cả sống lưng.

BẾN TRE: LÀNG NGHỀ CÁ KHÔ BÌNH THẮNG - BẾN TRE, AN NAM TRAVEL, DU LỊCH MIỀN  TÂY, Làng nghề cá khô bến tre, du lịch cần thơ

Người dân Bình Thắng kiên trì giữ nghề.

Mọi người trong cùng một xưởng với nhau đa số là những người có quen biết nhau nên mọi người vừa làm vừa nói chuyện rôm rả với nhau. Có cô thì khoe “con trai vừa đậu vào trường đại học, thấy mừng cho nó, rang chẻ khô để nuôi nó ăn học. Biết đâu sau này nó thành tài về mở xưởng khô không chừng”, nói dứt câu mọi người cùng cười giòn tan. Còn chú kia thì than vãn “ruộng vườn nhà dạo này đạo ôn nhiều quá, chắc năm nay thất mùa,…” nói rồi chú thở dài. Nói chuyện vui miệng với nhau mấy câu vậy thôi mà ai cũng chẻ được mười mấy kí lô cá. Có mấy anh làm ở khâu phơi cá, đem mấy vỉ cá gác lên hai hàng cây để phơi. Rồi các cô chú chỉ việc cân ký cá đã mần, tính tiền xong sắp cá lên vỉ phơi. Đợi khi phơi đủ nắng, cá đã thành khô là có thể đem đóng gói để xuất khẩu.

Nói thì nói vậy thôi, chứ nghề này cũng khổ trăm đường, có hôm trời không rải lấy một giọt nắng, vậy là phải mang cá đi sấy gấp, tốn thêm điện. Những ngày như vậy nhà xưởng lại phải cắt giảm tiền công của các cô chú một ít. Cũng có mùa sản lượng cá ít, không đủ làm, các cô chú thất nghiệp phải đi làm thuê làm mướn chổ khác để trang trải, đợi mùa cá trúng thì quay lại làm khô. Cũng có những lúc cá nhiều thật nhiều, nhưng nhỏ, chỉ bằng ngón tay, làm lâu ơi là lâu mới được một ký cá,…

Vất vả thế đấy, nhưng chẳng ai chịu bỏ nghề cả, vì tuy vất vả nhưng vui. Anh, chị, em gom lại vừa làm vừa nói chuyện rom rả cả một khu xưởng. Một phần vì làm nghề này quen, làm nghề khác hiệu quả làm việc lại không bằng. Một phần là do đã trót yêu mùi tanh tanh và thum thủm, yêu những con cá do chính đôi tay mình chẻ ra và tự hào vì nó được đóng gói đi tới tận trời Tây.  Nhưng phần lớn nhất là không làm nghề này thì ai làm? Không làm thì các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, không làm nghề này thì ghe cá vào biết bán cho ai? Không làm nghề này thì lấy đâu ra một cái nghề truyền thống để lại cho con cháu? Tuy là làm nghề này cực nhưng cũng đáng quý, đáng trân trọng vì cũng đóng góp một phần vào việc phát triển các thương hiệu hàng Việt Nam.

Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua làng nghề cá khô Bình Thắng từ cung ứng cho các chợ trong vùng tiêu thụ nay đã phát triển lên thành cung ứng cho khắp các tỉnh thành trong khu vực và xuất khẩu sang nước ngoài.

Năm 2007, làng nghề cá khô Bình Thắng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện tại có 23 hộ sản xuất với quy mô khoảng 300 kilogam cá khô mỗi ngày.

Từ làng nghề truyền thống với hầu hết các công đoạn đều làm thủ công thì hiện nay làng cá khô Bình Thắng đã áp dụng khoa học kỹ thuật để tao ra sản phẩm chất lượng hơn, bảo quản được lâu để có thể đi xa hơn. Không những thế mà người dân còn hướng đến sản phẩm sạch để phục vụ cho thị hiếu của người dùng.

Qua đây, cũng xin cảm ơn những người dân cần cù, dù cực khổ vất vả cũng bám nghề, yêu nghề. Để bây giờ có một làng nghề truyền thống truyền lại cho thế hệ sau và giữ được một làng nghề mang đầy nét đẹp văn hóa cho miền Tây.

Tin tức liên quan

Xem thêm
Các tour liên quan
Xem thêm