Loading...

Lễ hội Then Kin Pang – Linh hồn của người dân tộc Thái Trắng


Mỗi năm qua đi, cứ mỗi dịp ngày 10 tháng 3 đến là bà con người Thái Trắng, huyện Phong Thổ nói riêng và bà con Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung lại cùng hội tụ về xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ để cùng tham dự Lễ hội Then Kin Pang – Lễ hội được ví như linh hồn của người Thái trắng nơi đây.

Lễ hội Then Kin Pang – Linh hồn của người dân tộc Thái Trắng

Lễ hội Then Kin Pang là một nét độc đáo trong văn hóa bản sắc của người dân tộc Thái trắng, cũng như là một hình thức diễn xướng văn hóa dân gian của bà con khu vực Mường So, huyện Phong Thổ. Trải qua biết bao trang sử thăng trầm của dân tộc, người Thái trắng đã gây dựng và kiến tạo nên cho mình một nền văn hóa bản sắc độc đáo, phong phú và đa dạng.

Cứ mỗi năm, vào lúc những cơn mưa cuối xuân và đầu hạ về, khi những bông lúa vàng đang đua nhau trổ bông, khi những hoa Bó mạ nở vàng khắp các triển đồi, ven bờ suối thì người dân nơi đây lại nôn nức tham gia lễ hội Then Kin Pang. Truyền thuyết của dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Xếp sau Pô Phà (Vua trời) là các Then. Họ là những vị thần có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên và con người. Vì vậy Vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Những người bị ốm đau sẽ được các Then cho thuốc, những ai gặp rủi ro, vận hạn, các Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Các Then cũng chính là những đại diện để cầu nguyện các vị thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của người dân no ấm và đủ đầy. Đây cũng là ngày các Lụ liệng - Lụ hương, họ chính là các con nuôi được các Then cầu hồn, chữa bệnh, dâng hương để tạ ơn các Then.

Bàn thờ các Then được trang trí nhiều màu sắc rực rỡ, với hoa Bó mạ là lễ vật chủ đạo. Nguyên nhân chọn Bó Mạ làm lễ vật chủ đạo là vì loại hoa này được xem là biểu tượng của Then Kin Pang, có nó mới có ngày hội Then:

“Người Thái có câu:

Bó pục púng Then cả

Bó mạ púng Then sương

(Hoa bưởi nở Then sướng

Hoa Bó mạ nở Then vui)”.

Bên cạnh đó, trên bàn thờ còn có một số vật như những con én gấp bằng giấy, đàn tinh tẩu và quả còn; trên mâm cúng thì bao gồm một con gà luộc và một con lợn để nguyên con, xôi nếp, rượu, nước... Các lễ vật cúng thể hiện sự sung túc và đầy đủ của cây, hoa, lá, cỏ, báo hiệu một năm mới đầy đủ và ấm no. Ngoài ra, Then Kin Pang bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường cũng như những vị anh hùng đã có công đẩy lui giặc Mường.

Mọi người đến với lễ hội nhằm mục đích dâng hương, với mong muốn cầu phúc cho một năm may mắn và bình an, cầu cho gia đình hạnh phúc. Đối với các gia đình có người mất, họ cũng sẽ dâng các lễ vật để nhờ Then xin với các vị thần linh cho các hồn ma về hưởng.

Vào ngày đầu tiên diễn ra lễ, các Then sẽ kiêng kị không ăn thịt các con vật; bên cạnh đó sẽ chọn ra những cô gái xinh đẹp và chưa chồng làm Sao Chẩu để phục vụ các thần khi các thần xuống chơi. Khi bắt đầu hành lễ, dân bản sẽ bầu ra một người đủ tiêu chuẩn để mặc trang phục của Then, tay đánh đàn tính tẩu trông uy nghi như một vị tướng. Then sẽ dâng hoa, dâng lễ, mời rượu, diễn xướng, như đối thoại với các thần linh. Vào lúc lễ kết thúc, Then và các Sao chẩu múa điệu quát bó héo, quét hoa tàn, và đó chính là niềm tin vào sự luân hồi bất diệt.

Bước vào phần Hội, chúng ta sẽ được tham gia nhiều trò chơi, ngoài thi văn nghệ, ẩm thực, bịt mắt bắt vịt, ném còn, đẩy gậy, kéo co… thì còn có thêm trò bịt mắt đánh chiêng và bắn nỏ.

Năm nay, lễ hội đã thu hút đông đảo các dân tộc khác cùng tham gia như: Người Thái ở Mường Là, huyện Kim Bình, Vân Nam (Trung Quốc); người dân tộc Kinh, Mông, Dao cũng về dự Hội và giao lưu nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Nhờ vậy mà bà con địa phương có dịp thưởng thức những tiết mục mới mẻ, độc đáo, qua đó góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc.

Một trong những phần đáng mong đợi nhất là lễ hội té nước. Người dân nơi đây quan niệm rằng ai được té càng ướt thì gặp càng nhiều may mắn.Và vì lí do đó mà té nước là phần không thể thiếu trong Lễ hội Then Kin Pang.

Tin tức liên quan

Xem thêm