Bông súng trên đồng lũ và nét đẹp đậm hồn quê
Khi mùa nước nổi tràn về trên khắp các cánh đồng miền Tây Nam Bộ thì cũng là lúc những người dân ở đây bắt đầu tất bật với cuộc sống mưu sinh. Trong rất nhiều những nghề dân dã của các nghề miền Tây thì hái bông súng ma mùa nước nổi là một trong những công việc gắn bó lâu đời và mang đậm vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của người dân nơi này. Đặt chân đến Mộc Hóa - Long An vào thời điểm này, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trong chiếc áo bà ba đang chèo xuồng thu hoạch bông súng, và sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ngọt ngào, lãng mạn của những thuyền hoa đầy sắc màu tinh khôi...
Trên cánh đồng ngập nước đậm màu sáng đục của phù sa, hình ảnh đầy màu sắc của bông súng hòa cùng chiếc áo bà ba là cơ hội không thể bỏ lỡ để những nhiếp ảnh gia lưu lại những khoảnh khắc vô cùng sống động và đẹp mắt từ trên cao. Như một lời hò hẹn của thiên nhiên mỗi khi mùa nước nổi tràn về, Long An như một thường lệ lại nổi bật lên với một gam màu hoa súng nở bung sắc. Bông súng không chỉ để ngắm mà còn là một món ăn dân dã, được nhiều người ưa thích, mang lại nguồn thu nhập cho người nghèo mỗi mùa nước nổi.
Giữ mênh mông đồng nước, những cây bông súng chen nhau mọc lên tua tủa, nước dâng lên tới đâu bông súng vươn mình tới đó, nước nổi càng cuộn đỏ phù sa, thân súng càng mập mạp và lá súng càng to. Bức tranh mùa nước nổi thật sống động làm sao bởi sự điểm xuyến của những cánh hoa súng, khi thì bông nở sắc trắng tinh khôi, khi lại hoa sắc tím nồng nàn ngọt ngào. Mùa nước nổi mang theo một vụ màu mưu sinh của những con người luôn gắn cuộc đời lênh đênh theo dòng nước, rong ruổi theo những chiếc xuồng trên những cánh đồng mênh mông hoặc theo những bờ kênh để hái bông súng đã trở thành nét sinh hoạt có từ lâu đời. Sống giữa cánh đồng nước bao la những cánh bông súng chưa bao giờ cô độc, khi có mùa nước nổi đổ về là đâu đâu cũng nghe những tiếng máy gầm cản nước, tiếng cười nói quên nhọc nhằn của những con người đi hái.
Miền Tây là một vùng đất ngập nước khi mùa lũ đổ về, cây bông súng là loài cây thủy sinh thích hợp với vùng đất nhiệt đới này, có điều kiện sinh sôi và phát triển. Cái duyên từ thiên nhiên ấy đã giúp cho nhiều cư dân ở chốn đồng lũng vùng Tây Nam Bộ này tìm được cơ hội làm ăn. Vào những ngày này tại các huyện đầu nguồn Đồng Tháp Mười, đặc biệt trên sông Lò gạch xã Vĩnh Trị huyện Vĩnh Hưng, mỗi ngày có đến gần trăm người đi nhổ bông súng, lúc này đây, mùa nước nổi trở nên sôi động khác thường. Trước đây dọc theo con sông này là những bãi sen nhưng giá trị từ những cây sen bấp bênh nên thời gian qua người dân đã chuyển đổi sang trồng bông súng. Hộ nào trồng ít nhất cũng vài ba công, có hộ trồng nhiều lên đến 5Ha. Cứ thế mỗi màu nước nổi, một khúc sông dài hàng km được phủ đầy hoa súng, chúng lặng lẽ khoe sắc với vẻ đẹp mộc mạc dân dã như chính con người nơi đây. Bông súng được trồng vào mùa khô và được thu hoạch vào mùa nước nổi với 2 loại giống là bông súng đỏ Đà Lạt - hiện đang được bán với giá 3.500 đồng/ 1 ký và bông súng cơm được bán với giá gấp đôi là 7.000/ 1 ký.
Ở miền Tây, mỗi sản vật đều gắn với một nếp sống riêng, cư dân thích ứng với điều kiện nuôi trồng và khai thác như một lẽ thường tình. Trên đồng hoa súng, họ có cách di chuyển đầy sáng tạo, cuộc sống trên đồng hoa súng luôn nhộn nhịp với những cư dân cần mẫn với nghề, sau khi thu hoạch xong lại dọn ao, vớt rong,... rồi lại thu hoạch mùa tiếp theo, từ đó tạo nên một vòng lặp thần kì. Bông súng thu hoạch từ đồng sẽ được tập kết ra các vựa để tiến hành sơ chế rồi tiếp tục đưa đến các chợ đầu mối xa gần.
Vào mùa nước nổi, bữa cơm của gia đình luôn có mặt bông súng, từ những ngày tháng 6 tháng 7, khi con nước vừa chớm mé ruộng thì biết bao đàn cá non bắt đầu lũ lượt kéo về đầy kênh rạch rồi bắt đầu lên ruộng khi nước tràn đồng. Chỉ cần đi giăng câu, đặt lợp là đã bắt được mớ cá đem về chế biến, kho lạc ăn kèm bông súng, nhất là bông súng ăn kèm với mắm kho, dễ làm mà ăn rất ngon miệng. Thế nên mới có câu:
“Bông súng nấu với cá linh
Mặn mà hương vị đậm tình quê hương”
Bông súng sánh vai cùng với những người bạn mùa nước nổi như bông điên điển, rau muống, bắp chuối, làm nên món gỏi chấm với món cá linh kho, hoặc bông súng đem nấu canh chua kèm với loại cá nào cũng ngon, nhưng ngon nhất là nấu bông súng với cá lóc đồng. Những ngày trời đổ những cơn mưa lất phất làm lạnh, cùng bên gia đình thưởng thức những món ăn hương đồng gió nội là điều hạnh phúc nhất đối với những ai chưa từng trải nghiệm cuộc sống bình dị ở vùng quê yên ả.
Món ngon từ bông súng hòa trong nỗi nhớ về miền quê bình dị, yên ả, tràn ngập gió mưa, thôn thảo từng con nước lớn ròng. Chậm rãi ăn từng cọng bông súng mới thấy thấm thoát được sự tinh túy nuôi lớn nó từng ngày, đó là hương vị phù sa sông nước hòa quyện cùng nắng gió quê hương...