Loading...

Có một Mù Cang Chải là một trong 50 điểm đến đẹp nhất thế giới!


Năm 2020, Mù Cang Chải có 2 lần được vinh danh trên các tạp chí du lịch thế giới: “Một trong 20 điểm đến sắc màu nhất thế giới” và “Top 50 điểm đến đẹp nhất thế giới”. Điều gì đã khiến Mù Cang Chải hấp dẫn đến như vậy? Không chỉ là vẻ đẹp của sự hiểm trở, hùng vĩ, thơ mộng, với những cánh rừng đại ngàn, những thửa ruộng bậc thang, Mù Cang Chải còn hấp dẫn bởi nơi đây còn là một kho trầm tích văn hóa dân gian và có một nền ẩm thực phong phú. “Những cô gái đẹp như tiên Lên Mù Cang Chải vui trên lưng đồi Bậc thang đẹp những mâm xôi Tiếng cười trong vắt đọng nơi lúa vàng”

Có một Mù Cang Chải là một trong 50 điểm đến đẹp nhất thế giới!

Địa danh Mù Cang Chải là tiếng của người H’Mông, bởi nơi đây có hơn 90% đồng bào người H’Mông, dịch sang tiếng kinh có nghĩa là “làng cây khô”, sở dĩ có tên là làng cây khô bởi vì trước đây vùng đất này rất khô cằn, ít các cây lớn được mọc lên, kèm theo là gió hanh khô từ phía tây thổi đến làm cho đất càng khô cằn lại thêm bạc trắng. Thế nhưng khoảng 30 năm nay, những đồi thông, những đồi thông và những rừng Sơn Tra đã phủ một màu xanh cho đất. Đồng thời năm 2012, hồ thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, lượng nước khổng lồ của hồ chứa đã tạo ra độ ẩm cho các địa phương lân cận, và Mù Cang Chải cũng không ngoại lệ vì chỉ cách hồ thủy điện theo đường chim bay chỉ 40km. Từ đó, một Mù Cang Chải đầy sắc màu như bây giờ được hình thành.

Sẽ không quá lời nếu nói Mù Cang Chải là vùng đất của những sắc màu. Mùa xuân đất trời Mù Cang Chải trắng rực bởi hoa đỗ quyên và sơn trà; Mùa hạ ruộng bậc thang của Mù Cang Chải ánh lên sắc bạc khi bà con đổ nước vào nương; Mùa thu bông lúa chín vàng tạo nên một Mù Cang Chải thơ mộng, mộc mạc và hùng vĩ; Và mùa đông là lúc hoa tớ dày rực đỏ cả một vùng rừng, và đó cũng là lúc màu vàng của lá phong ngã hồng rực rỡ, có lẽ sẽ không có nơi nào khác ở Việt Nam lá phong lại đẹp như thế này. Trong dự án phát triển du lịch bền vững ở Mù Cang Chải, hoa tớ dày và lá phong sẽ là sắc màu của vùng đất du lịch này vào mùa đông, và trông tương lai không xa, xã Chế Tạo cũng là một trong những điểm đến của khách du lịch khi thăm Mù Cang Chải.

Nằm ở phía Tây Mù Cang Chải, Chế Tạo là địa phương hẻo lánh nhất và chặng đường vào đây cũng sẽ là một thử thách với khách du lịch. Con đường có chiều dài chính xác là 32km từ Thị trấn Mù Cang Chải đến xã Chế Tạo. Hiện nay, mặc dù đường đã rộng hơn, mặt đường cũng là bê tông nhưng để đi được ra thị trấn cũng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe máy. Đường Chế Tạo là biết bao mồ hôi, công sức của tất cả bà con Mù Cang Chải, nó là biểu tượng cho sức lao động và sự đoàn kết của cả ba dân tộc đang sống ở Mù Cang Chải gồm: Mông, Thái và Kinh.

Chín mươi phần trăm người dân huyện Mù Cang Chải là đồng bào Mông, bên cạnh người Kinh, người Thái chỉ sinh sống ở vùng ven thị trấn Mù Cang Chải và chính cộng đồng người Thái ở đây là một điểm nhấn trong sắc màu văn hóa của Mù Cang Chải. Đến Mù Cang Chải, một trong những trải nghiệm thú vị nhất chính là được chìm đắm trong không gian văn hóa của người Thái nơi đây. Ở đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng điệu múa xòe truyền thống của họ mà còn bị cuốn hút bởi những câu chuyện về sự hình thành của người Thái ở Việt Nam. Là đồng bào có số dân đông thứ 3 cả nước với hơn 1,8 triệu dân, người Thái sống hầu hết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Đây cũng là dân tộc có một kho tàng ẩm thực phong phú, đặc sắc và người thái ở Mù Cang Chải cũng không ngoại lệ.

Không những với phong cảnh mộc mạc mà hùng vĩ, du khách còn bị mê hoặc bởi nền văn hóa ẩm thực độc đáo với nguyên liệu chế biến các món ăn truyền thống sẵn có từ núi rừng và cách chế biến tài hoa, khéo léo của đồng bào dân tộc Thái khi đến nơi đây. Một trong những món ăn đó là món Pa Pỉnh Tộp (cá suối nướng lật úp), món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái - Mường Lò từ lâu đã nổi tiếng và luôn được du khách tìm thưởng thức khi có dịp ghé thăm. Ẩm thực của người Thái nổi tiếng với sự phong phú trong khâu ướp gia vị, một món ăn có khi dùng đến cả vài chục gia vị, và món Pa Pỉnh Tộp này cũng vậy, để con cá nướng được thơm ngon, không còn mùi tanh, rất nhiều loại rau gia vị đã được sử dụng. Sau khi ướp, công đoạn cuối cùng sẽ là đưa lên than để nướng, mọi công đoạn đều rất nhanh nhưng chỉ công đoạn này sẽ rất lâu. Lửa phải thật nhỏ để cá chín một cách từ từ, nếu lửa to cá sẽ sống trong mà chín ngoài thì cũng không thể ăn. Vì vậy công đoạn này yêu cầu thời gian khoảng 30 đến 45 phút tùy vào kích cỡ con cá, trong quá trình nướng cũng phải lật cá lên xuống liên tục để cá chín đều.

Sắc đỏ của lá phong, hương vị của Pa Pỉnh Tộp sẽ là những gì còn lưu luyến trong du khách khi rời khỏi vùng đất này. Mỗi lần đến Mù Cang Chải sẽ là một lần được trải nghiệm sự mới lạ ở đây. Cảnh đẹp, đời sống văn hóa ẩm thực nơi đây là những sắc màu tạo ra một Mù Cang Chải luôn in đậm trong tâm trí khách du lịch, một Mù Cang Chải là một trong 50 điểm đến đẹp nhất thế giới.

Tin tức liên quan

Xem thêm