Mắm sặc bần chua – Hương vị gây thương nhớ của một miền sông nước
Cây bần thả dáng bên con sông quê, là hình ảnh quen thuộc và gần gũi đối với bà con miền sông nước. Bần bám đất giữ bãi bồi, bần góp mặt trong những bữa cơm quê, bần đi vào lời thơ câu hát mộc mạc mà thấm chân tình:
“Cây bần soi bóng ghe nghèo
Qua sông gặp gió em chèo cùng anh”
Đối với những đứa con miền sông nước thì không ai xa lạ với cây bần, cây bần cao cao bên bờ sông quê êm đềm nước chảy đã từ lâu trở thành hình ảnh đẹp và rất đỗi thân quen cũng như vô cùng gần gũi. Kẻ tha hương khi trở lại quê nhà, từ xa xa đã thấy bóng dáng thân quen của cây bần nằm nghiêng mình ra bờ sông rồi đung đưa cành lá như muốn dang tay chào đón người về. Theo con đò với mái dầm bơi nhẹ trên sông, những hình ảnh thân thương của quê hương có lần lượt hiện ra ở ngay trước mắt. Có những gốc bần cao bự mà không ai biết nó đã mọc lên từ năm nào, tháng nào, chỉ biết rằng khi người ta để ý tới thì tụi nó đã thành mấy cây cổ thụ với cái gốc bự xù xì đứng sừng sững và vươn cành cao vút lên tới cả bốn năm thước. Bóng bần quê hương nhìn vững chãi như dáng cha, lại có nét hiền hòa như người mẹ, là nơi nương náu của biết bao kiếp người. Dưới bóng mát cây bần, những chiếc ghe thương hồ nương nghỉ sau những chuyến đi mệt nhoài, rong ruổi. Trên những cánh bần cao là nơi lựa chọn của bầy chim làm tổ, mỗi khi chiều buông nhẹ trên sông, những cánh chim cũng tìm về tổ ấm dưới gốc bần quen, rồi líu lo hót lên những thanh âm thanh bình yên ả. Có thể nói cây bần đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà con miền sông nước Tây Nam Bộ, bần làm nên nét hiền hòa cho làng quê, bần cho bóng mát, trái bần, bông bần góp ngon vào trong những món ăn quê nhà. Cái rễ bần chải lên trời đem làm mứt chay thì rất tốt.
Bần có 2 giống là bần dĩa và bần ổi, cây bần ổi hiếm hơn, thường mọc ở trong vườn nhà, trái bần tròn, nhỏ nhỏ có màu xanh đậm. Bần dĩa thường mọc ở sông, có trái bự và hơi dẹp. Trái bần khi còn sống thì chát ngần, khi dốt dốt thì chua chua chát chát, còn lúc chín thì chua dịu dàng và có mùi thơm rất hấp dẫn. Người miền tây thường hái trái bần chín để đem nấu canh chua với nhiều thứ sản vật của nơi này như cá linh, cá chốt, lương đồng, lục bình,… từ đó làm nên món canh chua bần với vị ngon rất riêng làm say đắm bụng dạ của biết bao người, đặc biệt là dân miền sông nước thì khi hái được mớ bần dốt dốt chắc chắn sẽ thấy thèm thiệt là thèm món mắm sống kẹp với bần chua, mang đậm hương vị dân dã của quê nhà. Bần rửa sạch thì đem thái thành lát mỏng, mắm sống ăn chung có thể là mắm chuốt, mắm sặc, mắm linh,… đều rất là hợp. Mắm được trộn chanh đường tỏi ớt cho thơm và thấm vị sau đó mới bày ra chung với bần thái miếng. Với người xa quê mỗi khi về nhà, không cần gì sang trọng, chí thấy dĩa mắm sống với bần là tự nhiên thấy thèm chịu hổng nổi rồi đó! Gắp miếng bần kẹp vô miếng mắm, sau đó bỏ vô miệng nhai chậm rãi để từ từ cảm nhận cho thật sâu, thật lâu cái hương vị quê mình. Miếng bần chua chua chát chát, miếng mắm mặn mòi vị sông nước, chèn ơi cái tình quê, tình đất, tình người sao mà dạt dào chan chứa quá!
Miền Tây có nhiều món gỏi đa dạng từ mùi vị cho tới cách kết hợp nguyên liệu với nhau, có kể cả ngày thì cũng chẳng hết những món gỏi đó. Có những món gỏi từ các loại trái cây, rau củ, các loại bông loại hoa rất là bình dị như là gỏi bắp chuối, chát chát vậy chứ mà mê; gỏi bông điên điển nhẫn nhẫn, ai ăn cũng thấy khoái; Hay là gỏi bông phượng, vừa đẹp lại vừa ngon; và gỏi bông bần màu trắng, đặc biệt man mác một niềm thương quê hương về đất phương Nam nước ròng nước lớn… Cái bông bần trắng trắng, món ăn nhà quê dọn lên giữa lòng quê hương xứ sở, nó ngon mà nức nở cả lòng!
Những ai đã từng nhìn thấy bông bần đều phải công nhận rằng, thứ bông dại được trổ ra từ cây dại nhưng lại mang một vẻ đẹp tới nao lòng. Bông bần khi mới nhủ thì chỉ có cái nụ nhỏ nhỏ tròn tròn, có màu xanh mướt xen chung với màu xanh của lá. Khi nụ bông vừa hé sẽ nhô ra những cánh bông nhỏ có màu hồng hồng nằm nép vào nhau e ấp. Rồi một ngày kia khi cánh bông đã ngậm đủ sương đủ nắng của đất trời, nó sẽ bung nở ra thành những chùm bông trắng trắng hồng hồng nằm rung rinh trong nắm rồi đu mình theo cành lá, đợi có gió thổi qua là những sợi bông nhỏ nhỏ từ từ thả trôi theo gió để hòa mình vào làn nước sông mát rượi của quê nhà. Những ai đi xa mới biết cảm giác nhớ quê nó thắm thiết cỡ nào, nhớ con sông ngày xưa mình còn tắm mát, nhớ gốc bần già đã trải biết bao kiếp người, nhớ chiếc xuồng nhỏ ngày xưa ta vẫn thường bơi dọc bờ sông hái bông bần, trái bần về cho má nấu món ngon,… Những đứa nhỏ ngày xưa giờ đã lớn, trở lại quê hương vẫn bơi xuồng thuần thục như chưa từng xa cách, gốc bần già vẫn đúng dịp trổ bông chờ người về, những nụ bông xinh xinh nhỏ nhỏ tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ và xõa xuống nằm đung đưa dưới nước để bàn tay người tha hồ mà hái….