Mì Quảng – Sáng tạo riêng biệt của người Quảng
Mì quảng được xem là một sáng tạo riêng biệt của người dân Quảng Nam vì không theo một truyền thống có sẵn nào cả, đặc biệt là ở tên gọi. Chữ mì rất lạ nhưng lại độc đáo. Mì vốn là món ăn của người Hoa được làm từ bột mì, nhưng những món ăn xưa của Việt Nam không có món nào là mì cả, mì quảng là món mì duy nhất của Việt Nam. Tuy nhiên đó chỉ là mượn tên gọi mà thôi vì những sợi ấy vốn được làm từ bột gạo chứ không có tí bột mì nào cả, tức là lạ nhưng lại độc đáo. Theo một thuyết giả định cho rằng: Người Quảng Nam, người Hoa sinh sống trên Hội An xưa, vốn khôn nguôi nhớ về quê nhà nên họ đã tìm cách nấu món mì trên chính quê hương mới của họ. Tuy nhiên Việt Nam là đất nước lúa gạo, không có bột mì để chế tạo ra mì, vì thế họ đã dùng bột gạo để thay thế và dùng thêm nghệ để tạo màu vàng tự nhiên. Theo một thuyết giả định khác lại cho rằng: Người Hoa sinh sống ở Hội An vốn có truyền thống đi đến đâu mở tiệm kinh doanh đến ấy, và món mì là món quốc hồn quốc túy của họ dĩ nhiên là không thể thiếu. Người dân Quảng Nam ăn quen dần chế tạo ra món mì quảng mà người Hoa ăn rồi cũng phải gật gù khen ngon. Ngày địa danh làng Phú Chiêm, địa bàn tỉnh Quảng Nam được xem là cái nôi sản sinh ra mì quảng.
Mì quảng Phú Chiêm là một trong những đặc sản rất nổi tiếng, Phú Chiêm không phải là tên quán, đây là tên của món mì quảng gốc, được ra đời từ làng Phú Chiêm thuộc xứ Quảng Nam xưa. Vẫn là những thành phần cơ bản làm nên món mì quảng truyền thống nhưng tô mì Phú Chiêm dường như đậm đà hơn gấp bội. Vẫn là những sợi mì tươi làm từ gạo, mấy miếng thịt gà, đôi lát thịt heo, ít con tôm, vài ba trái trứng cút nhưng cái vị đậm đà béo thơm của tô mì Phú Chiêm lại nằm ở nồi nước nhân làm từ con cua đồng. Tùy theo khẩu vị của cá nhân mà thực khách có thể yêu cầu chủ quán thêm rau, thêm mì, thêm nước nhân thoải mái mà không lo đội giá. Nhìn cái cách các thực khách quay quanh món mì quảng bên vệ đường, cùng nhau trò chuyện và háo hức chờ đợi tô mì thơm lừng, bắt mắt từ tay người bán hàng làm cho người ta quên phắt ngay mình đang ở phố thị mà tưởng chừng như đang lạc ở một góc chợ quê đầy ấp những hồn nhiên, mộc mạc.
Bí quyết để có tô mì ngon là sợi mì phải được làm từ gạo xay thật mịn. Khi tráng mì, người thợ thường đổ bột thành hai lớp để lá mì được mềm, mướt, dẻo, dai mà không phải thêm bất kỳ thứ phụ gia nào khác. Thông thường nồi nước nhân có thể được nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà, vịt, tôm, cá lóc hoặc ếch. Mỗi thứ nguyên liệu mang đến một hương vị riêng. Ở làng mì quảng gốc, nước nhân được nấu từ thịt heo, thịt gà, tôm đất, trứng cút và cua đồng. Ngoài những nguyên liệu mì quảng thông thường, người Phú Chiêm dùng cua đồng để làm cho nồi nước nhân của mình thêm vị ngọt đậm đà và tạo hương riêng, đó là nét đặc trưng chỉ có ở mì Phú Chiêm. Hầu hết các loại rau sống đều là rau sạch được trồng ven sông Thu Bồn và hái tại vườn nhà. Rau sống ăn kèm khá phong phú, thường là rau muống, bắp chuối, thân cây chuối non, các loại rau thơm và ớt xanh. Thứ nào cũng ngát hương đồng nội.
Trong chuyến du hành tìm hiểu về món ẩm thực này nơi xứ Quảng nắng gió, có một sự thật mà chúng ta có thể khám phá ra được đó là nguyên liệu bí ẩn để làm nên sức hút cho món ăn bình dân nhưng vô cùng hấp dẫn này chính là sự chân tình. Một món ăn quê mà cả người chế biến và thực khách đều được trao và nhận về những niềm vui giản dị, ấm áp tình người mà tiền không thể nào mua được…