Loading...

Nhà rường Huế - Nét đẹp tồn đọng từ văn hóa phong kiến Việt Nam


Sự phát triển của xã hội kéo theo đó là những nấc thang đi lên của cuộc sống hiện đại. Hàng trăm công trình kiến trúc được ra đời, hàng ngàn tòa nhà cao tầng được “chất” lên, đồng thời theo sau đó cũng là sự lãng quên đi những giá trị xưa cũ, nhưng đâu đó ở Kinh đô Huế - nơi quy tụ nhiều dạng kiến trúc phong kiến điển hình của Việt Nam, vẫn tồn tại một nơi mang đến một nét đẹp tồn đọng – Nhà rường Huế. Kiến trúc đó không chỉ tạo nên phần “hồn” cho kinh thành Huế mà nó còn khiến những làng quê ven sông thêm thanh bình, thêm yên ả.

Nhà rường Huế - Nét đẹp tồn đọng từ văn hóa phong kiến Việt Nam

Từ xưa đến nay, người ta vẫn thường hay gọi Huế là xứ mộng mơ, có lẽ sự mộng mơ ấy không chỉ đến từ những cung điện vàng son, những đền đài lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự, mà đó còn là sự mộng mơ của một cố đô mang trong mình vẻ đẹp thanh bình, yên tĩnh với những khu vườn xanh mướt, những ngôi nhà vườn nhuộm nét rêu phong. Nhà rường Huế chính là thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả đều bổ sung cho nhau để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.

Ở Huế, nhà rường không đơn thuần là nơi để ở mà nó được xem như một tác phẩm nghệ thuật, là sự tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng họ, và cũng là sự tiếp nối của mạch nguồn văn hóa Huế trong kiến trúc cảnh quan. Chỉ cần nhìn không gian của ngôi nhà rường, người ta dễ dàng nhận ra xa được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân. 

Nhà rường – hay còn được gọi là “nét điển hình” của một ngôi nhà gỗ hoàn thiện ở Huế. Chò, táu, kiền kiền, thân cây mít,… là những loại vật liệu tạo nên nét kiến trúc này. Nhà rường Huế thường mảnh dẻ hơn đối với các ngôi nhà gỗ Đàng Ngoài, được điểm tô qua những nét nhấn bằng các loại hồi văn uốn lượn theo mô típ long hóa giao hóa hay hoa lá cách điệu trên đường nóc hoặc các góc mái. Du khách khi khám phá nhà rường cổ Huế nếu để ý sẽ thấy các chi tiết nhỏ được chạm khắc công phu và tỉ mỉ, tạo nên một “bức họa nổi” mang nét đẹp thẩm mỹ cao. 

Ngôi nhà chính có 3 gian 2 chái, tiền đường dành cho việc thờ phụng tổ tiên với trang trí nội thất khá đặc trưng như các bức hoành phi, đối, liễn. Ngôi nhà ngang cũng thiết kế theo kiểu 3 gian 2 chái, nối với nhà chính bằng một mái nhà cầu xinh xắn, khép kín với khu bếp ở hậu hiên. Căn nhà lợp ngói dày, ẩn mình dưới vườn cây xanh mướt tạo nên một bức họa đầy màu sắc yên bình và tươi tắn.

Không chỉ riêng mảnh đất cố đô, mà từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho tới Quảng Ngãi cũng có loại nhà này, nhưng mặc dù vậy, kiến trúc nhà rường vẫn được coi là một di sản đặc trưng của Huế và đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Huế.

Nhà rường là loại nhà có hệ thống kết cấu cột kèo bằng gỗ, được liên kết hoàn toàn bằng chốt mộng gỗ để có thể tháo lắp dễ dàng. “Rường” trong tên gọi “nhà rường” là một cách nói ngắn của rường cộ. Một điểm đặc trưng của ngôi nhà rường xứ Huế, đó là thường được đặc trong một không gian rộng, có cây cối xung quanh. Và theo nguyên tắc của thuật phong thủy, phải có bình phong đóng vai trò chắn gió độc trước nhà, hay một bể nước đặt trong sân không chỉ để điều hòa nhiệt độ mà còn làm cho không gian thêm thư thái, dễ chịu. Đồng thời, thủy cũng là yếu tố quan trọng góp phần mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho gia chủ. 

Nhà rường Huế có ưu điểm lớn ở chỗ hai lớp mái nhà có độ dày chồng lên nhau và được lợp bằng ngói. Nên vào mùa hè, không khí ngôi nhà trở nên mát mẻ, ngược lại mùa đông thì ấm áp. Bên cạnh đó, nhà rường Huế có mái nhà được thiết kế với độ dốc lớn, từ đó giúp nước mưa thoát nhanh hơn và trở nên phù hợp với tính chất thời tiết mưa bão nhiều vào những tháng cuối năm ở Huế. 

Khi chuẩn bị vật tư để xây dựng, đầu tiên cần tính toán chi phí thật kỹ. Hầu như toàn bộ phần gỗ của ngôi nhà được làm từ gỗ mít - loại gỗ quý có màu vàng, vân đẹp. Từ đó tạo nên độ chắc chắn, ít cong vênh, nứt nẻ và có tuổi thọ cao. Tiếp theo là chuẩn bị rường tre, khi xây dựng phải chọn mua những cây tre thẳng được trồng từ lâu năm, phải già, phải cứng để tránh mọt và đặc biệt phải được đốn vào đầu xuân. Tre sẽ được ngâm trong vòng 100 ngày sau khi được thợ chế tác xử lý một vài bước cơ bản, sau đó sẽ vớt lên phơi khô, từ đó sẽ phân loại tre theo mục đích sử dụng và bảo quản kỹ càng, đảm bảo không bị mưa nắng. 

Khâu cuối cùng là chuẩn bị dây mây để làm lạt buộc, rơm và cỏ tranh. Mây đủ tiêu chuẩn phải lựa từ những cây mây Song và mây Mã. Cỏ tranh lợp phải là loại tốt, già, được cắt và phơi nắng kỹ càng. Phần rơm sau khi thu hoạch cũng cần phơi kỹ, bảo quản riêng đúng tiêu chuẩn. Chính vì độ cầu kỳ trong khâu chuẩn bị vật liệu nên giá nhà rường Huế khá cao.

Nhà rường Huế - đó không chỉ là kết quả của một quá trình sáng tạo đầy tri thức của những người dân nơi đây, đó không chỉ là một thành tựu đáng tự hào trong kỹ thuật xây dựng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, một bức tranh hoa mĩ đã được đúc kết và chấm phá qua nhiều thế hệ. Vì thế, ngôi nhà rường ấy trở thành “nơi cư trú thuần túy” của con người nơi đây, trở thành một không gian văn hóa với biết bao sự khám phá thú vị đối với những ai muốn biết nhiều thêm về lịch sử văn hóa và con người xứ Huế nơi đây.

Tin tức liên quan

Xem thêm