Loading...

SẮC XUÂN TRÊN CHỢ NỔI MIỀN TÂY


Đồng bằng sông Cửu Long vốn được mệnh danh là vùng đất “Chín Rồng”, với hơn 54.000 km chiều dài của sông ngòi, kênh rạch, nơi đây có con nước lớn tràn bờ, con nước ròng phơi bãi, có ghe thuyền ngày đêm ngược xuôi trên các con sông lớn nhỏ,…. Người ta nói rằng, không nơi nào trên dất nước Việt Nam có được một nền văn hóa sông nước như ở miền Tây. Một trong những đặc trưng của nền văn hóa sông nước ấy chính là chợ nổi trên sông.

SẮC XUÂN TRÊN CHỢ NỔI MIỀN TÂY

Chẳng ai nhớ nổi chính xác chợ nổi có từ khi nào, chỉ biết rằng từ bao đời nay đã hình thành một nền kinh tế văn hóa sông nước mang tính cộng đồng như thế. Có lẽ chính vì thế mà người miền Tây có tính cách phóng khoáng và cởi mở. Ngày nay, chợ nổi ở miền Tây không chỉ là nơi sinh hoạt, buôn bán, trao đổi hàng hóa mà đã trở thành điểm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn bất cứ du khách nào khi đến miền Tây.

 Chợ nổi chỉ xuất hiện ở những nơi giao thông đường thủy thuận lợi và đông dân cư sinh sống. Miền Tây hiện nay có trên hai mươi chợ nổi, trong đó có những chợ nổi tiếng như Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ Thơm (Bến Tre), Ngã Năm (Sóc Trăng),….Giữa một vùng sông bao la nào là ghe, thuyền, xuồng của các bà con thương lái. Chợ nổi họp đông nhất là vào buổi sáng, khi tiết trời còn mát, sương giăng bảng lảng trên mặt sông và nắng vẫn còn dìu dịu. Còn gì thích thú hơn khi giữa tinh sương của một ngày mới, được dập dìu trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, len lỏi vào chợ nổi lúc đông vui, tấp nập nhất để hưởng trọn cái không khí trong lành và hương vị trái cây, sông nước miền Tây, theo làn gió thổi đến.

Nét độc đáo nhất của chợ nổi chính là hình thức “bẹo hàng”, nghĩa là quảng bá hàng hóa tại chổ. Trước những mũi ghe, người ta cắm hoặc gác ngang một cái sào dài, gọi là cái bẹo, trên đó treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ ghe đó bán. Khách chỉ cần nhìn lên cây bẹo mà tìm hàng hóa mình muốn mua. Hiện nay, ở những chợ nổi lớn, đông khách du lịch, đã hiện đại hơn rất nhiều, họ treo bảng hiệu, hộp đèn, áp phích,…của ghe hàng, các cửa hàng trên sông.

Ngày xưa, phương tiện chủ yếu để người dân họp chợ thường là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Nay, có cả ghe máy, tắc rang. Những chiếc xuồng con len lỏi vào bên trong cơ man nào là ghe, thuyền lớn mà rất hiếm khi có một vụ va quẹt nào xảy ra. Trên thuyền thì chất đầy hàng hóa, nào là trái cây theo mùa như chôm chôm, xoài, quýt, cam, bưởi,… nào là những sản vật vùng sông nước như cá, tôm, rùa, rắn, chim đồng,…. Người bán đa phần là những người nông dân, họ bán những thứ do họ làm ra và không nói thách về giá. Khách chèo xuồng đến mua, thuận mua vừa bán, cư xử chan hòa. Đó cũng là điều thu hút khách du lịch khi tham quan chợ nổi.

Ngoài ra còn có những chiếc ghe nhỏ với đủ các loại dịch vụ như ăn uống, cắt tóc, may vá,….đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Ai đã đi chợ nổi thì đâu quên tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi - tiếng tành tạch của ghe xuồng đang rẽ sóng, tiếng mời chào, í ới gọi nhau hối hả tạo nên một bầu âm thanh đầy sống động…Cứ như thế, chợ nổi càng tấp nập, càng sinh động và đậm đà bản sắc sông nước.

Các cụ ngày xưa thường bảo nhau rằng, cứ ra chợ nổi ngày Xuân sẽ thấy hết được cái phóng khoáng, cái thanh lịch của người dân vùng sông nước. Vào những ngày giáp Tết, quang cảnh chợ nổi lại cảng thêm nhộn nhịp gấp bội. Trên bờ người dân chen lấn qua lại, dưới sông thì ghe tàu chen chúc ra vào để buôn bán hàng hóa. Điều đặc biệt mà chúng ta không nên bỏ qua tới các khu chợ nổi đó là thưởng thức các món ăn được người dân nơi đây mang đến bán bằng những chiếc thuyền nhỏ. Cái cảm giác được thưởng thức những món ăn dân dã trên thuyền và khung cảnh sông nước xung quanh không phải nơi đâu cũng có.

Các xuồng dịch xuồng nhỏ, ghe lớn vào mùa xuân lúc nào cũng tấp nập, chúng ta sẽ thấy được những “ngôi nhà di động” trên mặt nước với đầy đủ các tiện nghi cùng với hàng hóa để buôn bán. Người ở dưới thuyển nhỏ thì chuyền đồ lên cho người trên thuyền lớn, động tác thành thục, nhịp nhàng dầu cho con nước đang dập dìu chứ không hề tĩnh lặng.

Chợ nổi là nét độc đáo của vùng sông nước Cửu Long, vào dịp Tết thì các chợ nổi cùng với đủ sắc màu của hoa, trái,… như tô điểm thêm cho dòng sông. Khi xưa khi mà giao thông đường bộ chưa phát triển thì dòng sông, con thuyền, bến đò là những điểm trao đổi hàng hóa tấp nập. Ngày nay khi những con đường nhựa, những chiếc câu bắc sang sông đã hình thành, hình ảnh bến đò, chợ nổi đã không còn náo nhiệt như xưa. Nhưng không vì vậy mà chúng biến mất, chúng đã chuyển mình để phù hợp hơn với thời đại mới, những khu chợ nổi bây giờ vẫn duy trì và trở thành điểm đến tham quan cho những du khách phương xa ghé lại.

Chợ nổi hình thành từ khó khăn do địa hình tự nhiên đã trở thành những điểm đến mang nhiều niềm vui, tạo ra thêm những kỷ niệm đẹp cho du khách tới tham quan. Những du khách khi về miền Tây sông nước, chắc rằng không ai có thể quên được sự nhộn nhịp, hình ảnh về những con người hào sảng, hiền hậu tại đây. Nếu có dịp về miền Tây, bạn nên đi vào dịp Tết hoặc mùa nước nổi, vùng đất này sẽ tạo thêm những kỷ niệm cho bạn.

Tin tức liên quan

Xem thêm
Các tour liên quan
Xem thêm