Tứ linh miệt vườn: cồn Long, Lân, Quy, Phụng – Đi để nhớ
Vào thành phố Mỹ Tho, chúng ta sẽ đến với cù lao Tân Long, tức cồn Long (thuộc phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho). Cồn Long có diện tích khoảng hơn 273 héc-ta, là cồn lớn thứ 2 trong bộ tứ linh trên sông Tiền. Theo lời kể của người xưa, dưới đáy sông Tiền có một con thuồng luồng khổng lồ trú ấn, qua hàng trăm năm, lớp phù sa bồi đắp lên thân thể con thuồng luồng ấy đã hình thành lên một cồn nổi giữa lòng sông. Dần dần người dân kéo đến sinh sống, lập ra làng ấp và tổ chức sản xuất. Những vườn cây ăn trái xum xuê từ đó ra đời, làm nên sự trù phú cho mảnh đất mệnh danh cồn rồng này. Nằm giữa bốn bề sông nước mênh mông, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cù lao Long có điều kiện phát triển các vườn cây ăn trái quanh năm với nhiều chủng loại phong phú và đa dạng. Từ lâu những vườn cây ăn trái trĩu quả đã trở thành thương hiệu, một dấu ấn khó quên trong lòng du khách khí đến thăm xứ sở miệt vườn này. Ngày ấy cồn Long “nức tiếng một thời” với giống nhãn long độc đáo – loại cây trồng đã từng làm giàu cho biết bao người dân nơi đây. Ngày nay, ngoài phát triển các vườn cây ăn trái, cồn Long còn là địa phương có thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên bè. Với vị trí thuận lợi, nằm giữa sông Tiền và gần cảng cá Mỹ Tho, người dân cồn Long còn tận dụng để nuôi cá bè, và đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây.
Tiếp đến trong bộ tứ linh miệt vườn ấy là cồn Lân, hay còn gọi là cù lao Thới Sơn, thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là cồn lớn nhất trong tứ linh, có nhiều mương rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ. Khi đến với cù lao, một trong những phương tiện di chuyển tiện lợi và hấp dẫn nhất đó chính là xuồng chèo, đặc biệt là di chuyển trong những con rạch chằng chịt. Dọc hai bên bờ là những cây dừa nước với những tán lá vươn dài và rộng, rợp cả một góc trời, tạo cho du khách một cảm giác cực kỳ mát mẻ và bình yên. Có thể nói cồn Thới Sơn là biểu trưng cho sinh thái miệt vườn Nam Bộ nên bên cạnh các loại cây ăn trái, người dân nơi đây còn trồng thêm các loại hoa kiểng khác mang lại giá trị kinh tế cao. Một điểm thú vị khác điểm tô cho bức tranh sinh động của đời sống trên cồn Lân chính là nghề nuôi ong lấy mật. Những vườn nhãn bạt ngàn trên cù lao là môi trường thuận lợi cho bầy ong hút mật. Trải qua quá trình luyện mật đầy tinh tế, bầy ong cho ra sản phẩm mật ong tương ứng với mật của hoa nhàn, và loại mật này được pha chế với trà thành một thức uống bổ dưỡng độc đáo xứ cù lao - trà mật ong hoa nhãn.
Đờn ca tài tử vốn đã có mặt từ lâu trên vùng đất Nam Bộ hiền hòa, gắn liền với đời sống miền sông nước nên những câu ca, lời hát trong loại hình này cũng nhịp nhàng uyển chuyển như con nước miền tây. Thật tự hào khi đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2013. Có nhiều nhóm đờn ca tài tử đã gắn liền nhiều năm với khu du lịch trên cù lao Thới Sơn, các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ và phát triển loại hình này, để cái hồn đất phương Nam vẫn mãi còn đó, in đậm vào trái tim của du khách nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Lời ca ngọt ngào như đang níu giữ bước chân, để rồi khi rời xa, ai cũng phải thốt lên rằng: “Chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi này”.
Thứ ba trong bộ tứ linh là cồn Quy, hay có tên gọi khác là cồn Cát, thuộc hai xã Tân Thạch và Quế Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 22km đường sông. Cồn Quy từng được xem là em út nhỏ nhất trong tứ linh với diện tích khoảng 65 héc-ta. Tuy nhiên diện tích cồn Quy ngày nay không ngừng mở rộng, nhiều người cho rằng, trong tương lai cồn Quy sẽ còn lớn hơn cả cồn Phụng. Điểm độc đáo trên cồn là đến nay vẫn giữ được nét thiên nhiên hoang sơ của vùng đất khai phá chưa lâu. Hầu hết các vườn cây nơi đây có tuổi đời đến hàng chục năm, được trồng thẳng tắp nhìn rất thông thoáng và thẳng tắp. Giữa không gian xanh mát, đón những cơn gió lộng thổi từ con sông Tiền Giang vào, ngả lưng trên chiếc võng đong đưa và thưởng thức vị ngọt lành của múi bưởi da xanh thì có lẽ còn gì bằng. Bạn như đang được sống lại những giây phút của tuổi thơ êm đềm ngây ngất, đắm hồn vào không gian yên ả, thanh bình của làng quê xưa. Đâu đó vang lên những câu dân ca quen thuộc:
“Bằng lòng đi em về với quê anh
Một cù lao xanh một dòng sông xanh
Một vườn cây xanh hoa trái đơm hương
Thuyền ai qua sông nụ cười mênh mông”
Cái tên cuối cùng đó chính là cồn Phụng. Cồn Phụng còn có cái tên gọi khác là Tân Vinh, nổi giữa dòng sông Tiền như một ốc đảo xanh mời gọi du khách. Cồn Phụng là nơi có các hoạt động vui chơi giải trí phong phú và đa dạng nhất trong số bốn cồn ở tứ linh. Bạn sẽ được tham gia nhiều trò chơi đặc sắc, hấp dẫn và không kém phần “giật gân” như đu dây qua sông, đưa bóng nước hay câu cá sấu. Đây thật sự là điểm đến thú vị cho gia đình, bạn bè vui chơi giải trí sau một tuần học tập và làm việc mệt nhọc. Sau khi tham gia những trò chơi tiêu tốn sức lực, những cơ sở sản xuất kẹo dừa chính là nơi để du khách “nạp năng lượng”. Kẹo dừa được xem là đặc sản mang đầy tự hào của người dân Bến Tre, với hương thơm dịu ngọt, béo ngậy và hấp dẫn du khách, Các công đoạn làm ra kẹo dừa cũng khá công phu mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt được bí quyết của nó. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay, người dân cồn Phụng vẫn còn duy trì các nghề thủ công truyền thống chế tác từ dừa. Bên cạnh các cơ sở kẹo và bánh tráng dừa nổi tiếng, chúng ta không khó để bắt gặp các cơ sở chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa trên đất cù lao này. Khéo léo, sáng tạo, những người thợ làm dừa nơi đây đã biến những cây gỗ dừa vô tri vô giác trở thành những vận dụng đẹp mắt và tinh tế. Đây là những món quà lưu niệm mà ai một lần ghé thăm cũng muốn mang về cho người thân, bạn bè, để giới thiệu, để gợi nhớ về một cồn Phụng thú vị và vô cùng ngọt ngào nơi đây.