VỀ THÁP MƯỜI NGHE KỂ VỀ NHỮNG CÁNH ĐỒNG LÚA MA
Vì sao có tên gọi lúa ma, lúa trời ?
Người ta cho rằng sở dĩ có tên gọi là lúa trời vì đây là loại lúa mọc tự nhiên, hoang dại, chẳng ai trồng trọt. Nó giống như món quà mà ông trời ban tặng cho bà con miền Tây Nam Bộ những lúc còn cơ hàn, khó nhọc.
Vì thế mà có câu ca dao: “Ai ơi về miệt Tháp Mười, cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn”
Còn tên gọi lúa ma chắc bởi vì giống lúa này khi chín không chín cả bông như lúa bình thường mà chỉ chín vài hạt. Điều kì lạ hơn là mỗi khi mặt trời lên chừng vài sào (khoảng 9 giờ sáng) thì lúa sẽ tự rụng mất. Chính vì điểm kì lạ và độc đáo này mà trong sách Gia Định thành thông chí còn ghi chép thêm một tên gọi nữa là “quỷ cốc”. Đây là loại nông sản quý hiếm cao cấp, từng được Nguyễn Ánh đưa vào cùng dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và tiếp đãi những thượng khách.
Từ đâu mọc lên cây lúa ma?
Lúa ma – giới khoa học gọi là lúa hoang, người nông dân thì gọi là lúa trời. Vốn là một loại lúa mọc hoang trong tự nhiên nên chẳng ai biết nguồn gốc của nó từ đâu và nó có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, vào khoảng tháng Tư âm lịch hằng năm, khi mùa mưa bắt đầu kéo về, đất khô cằn được tưới nước, những hạt lúa rụng từ mùa trước sẽ bắt đầu nảy mầm. Đến mua nước lên, lúa sẽ lớn dần và cao theo mực nước. Nước lớn đến đâu, lúa cũng sẽ vượt mặt nước đến đó.
Thân cây lúa ma cứng cỏi, lá to và chúng phát triển rất mạnh mẽ nhờ đã quen thích nghi với sương gió và nước mưa. Mùa nước nổi cũng chính là lúc lúa ma trổ bông và phát triển mạnh mẽ nhất. Rồi những hạt lúa sẽ chín dần trong suốt một tháng trời từ rằm tháng Chín đến rằm tháng Mười (âm lịch). Nhưng mỗi lần lúa chín, lúa chỉ chín vào ban đêm và mỗi lần chỉ chín vài hạt.
Bông lúa ma ngồ ngộ với những lớp hạt thưa thớt, hạt lúa có râu cứng dài khoảng 3 – 4cm. Chính vì hạt lúa có đuôi dài nên chim, chuột rất sợ và không bao giờ dám bén mảng đến ăn lúa. Khi lúa chín mà không được thu hoạch kịp sẽ tự rụng mất vì gặp ánh nắng mặt trời. Hạt lúa rụng, rơi xuống nước rồi ghim xuống bùn non, nằm im ở đó chờ nước rút, qua mùa khô, đến mùa mưa tiếp theo thì lại tiếp tục nảy mầm. Cứ như thế một mùa lúa mới lại vươn lên, dần dần phủ khắp những vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười ngày xưa.
Sự gắn bó lâu đời với người dân vùng Đồng Tháp Mười.
Theo ông Mai Quốc Lộ - một người cố cựu từng sống nhờ vào cây lúa ma kể lại rằng: “Những khi lũ lên như thế này, đi đâu ông cũng quan sát xem khu vực đó có cây lúa ma nào nhô lên không. Nhưng đã không còn thấy được nữa. Vào năm 1962, gia đình ông đã di chuyển từ Quảng Nam xuôi về Bến Tre rồi lại xuôi về tận vùng Cà Mau. Nhưng do chiến tranh quá ác liệt đã khiến dòng người phải di cư lại ngược về Đồng Tháp Mười. Khi ấy vùng đầm lầy rộng lớn này chỉ toàn cỏ là cỏ. Vì đất phèn, thời tiết lại thất thường nên việc trồng lúa trở nên rất khó khăn. Khi nạn đói đã cận kề, bao nhiêu người đặt chân tới đây sống trụ lại được đều là nhờ loại lúa kì lạ ấy.” Ông Lộ lại kể: “Loại lúa này ban đầu sẽ có màu xanh, đến khi lúa ma bắt đầu chín sẽ ngả sang màu đen. Nên mỗi khi chống xuồng ra đồng cỏ mà thấy một vùng đen thui là tụi tui mừng lắm”.
Để có thể thu hoạch được giống lúa này phải có hai người cùng chèo xuồng ra giữa đám lúa. Một người cầm sào chống, người còn lại điều khiển cần đạp để làm bông lúa chín rơi vào khoang thuyền. Những bông lúa xanh còn lại sẽ chín và tiếp tục được thu hoạch vào đêm hôm sau. Cứ như vậy, mỗi chiếc xuống một ngày có thể thu hoạch từ năm đến mười giạ lúa. Mọi việc diễn ra như vậy cho tới hết mùa thì có nhiều gia đình đã thu hoạch được cả tấn lúa ma, loại lúa mà trời đã ban tặng cho người nông dân.
Lúa sau khi thu hoạch về sẽ được đem đi ngâm nước trong khoảng ba ngày, sau đó thì lúa sẽ được đem đi phơi cho rụng đuôi. Hoặc có thể đem phơi xong giã nhẹ, làm cách này khi ra gạo nấu sẽ ngon hơn cách ngâm nước.
Cơm nấu bằng lúa trời sẽ hơi cứng, nấu củi phải để sôi thật lâu mới chắt nước, còn nếu nấu bằng nồi cơm điện thì phải đổ thật nhiều nước. Nhưng khi chín, hạt gạo sẽ rất dẻo, thơm và béo. Gạo lúa trời còn thường được người dân dùng để nấu cháo đặc, dùng đũa bếp quậy cho nhừ sau đó đổ ra một cái mâm lớn, trông rất giống một chiếc bánh đúc khổng lồ. Khi ăn, sẽ dùng cùng với nước đường thắng kẹo, vị rất đặc biệt và thơm ngon.
Lưu giữ và bảo tồn những cánh đồng lúa ma tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Lúa ma từng là một nguồn tự nhiên quan trọng giúp người dân Đồng Tháp vượt qua cơn đói vào lúc khó khăn, cơ hàn hay những ngày giáp hạt chờ mùa chính vụ. Nó còn là nguồn lương thực giúp bộ đội Việt Nam chống đỡ với cơn đói trong những năm kháng chiến khốc liệt.
Ngày nay, những cánh đồng lúa ma đã không còn còn nhiều trong tự nhiên nữa nên tại vườn Quốc gia Tràm Chim đã dành diện tích để trồng những cánh đồng lúa ma nhằm mục đích lưu giữ và bảo tồn một sản vật đặc trưng của miệt Tháp Mười và thu hút khách du lịch.