ẨM THỰC TẾT ĐOAN NGỌ
Tết Đoan Ngọ được xem là một dịp lễ tết quan trọng của người Việt từ nhiều đời nay. Theo đúng tục lệ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thật ra Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ ngày 5 tháng 5 âm lịch.
Trong một quan niệm khác của người Việt xưa, trong bộ phận tiêu hóa của con người thường có nhiều sâu bọ, mầm bệnh và chúng sinh trưởng mạnh nhất vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, cho nên phải diệt trừ chúng bằng các món ăn trong dịp này. Vì vậy cứ đến dịp mùng 5 tháng 5, nhà nhà lại chuẩn bị những món ăn, hoa quả, bánh trái... Dưới đây là những món ăn không thể thiếu để có một cái Tết Đoan Ngọ đúng nghĩa.
- Thịt vịt.
Với một số người dân ở miền Trung và miền Nam thì thịt vịt là món không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Mặc dù nhiều người dân thường có quan niệm kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng vì sợ đen đủi thì vào dịp Tết Đoan Ngọ vẫn có nhiều gia đình không thể thiếu thịt vịt. Cũng bởi vì quan niệm “diệt sâu bọ” và chữa bệnh mà thịt vịt lại có tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương, làm mát cơ thể nên từ xưa đã được người dân lựa chọn là món ăn không thể bỏ qua dịp “Tết diệt sâu bọ”. Thực tế hơn, bắt đầu từ tháng 5 trở đi, vit bắt đầu vào mùa, những con vịt cũng béo hơn, thịt cũng ngon hơn và không có mùi hôi lông nữa. Vì thế lại càng được người dân ưu ái lựa chọn để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong dịp này.
- Rượu nếp.
Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hóa của con người có nhiều sâu bọ và chúng nằm sâu bên trong nên khó có thể tiêu diệt được. Và vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng nằm chúng sẽ ngoi lên, lúc này con người nên ăn những loại thức ăn có vị chua, chát và tốt nhất là ăn rượu nếp để có thể tiêu diệt được sâu bọ. Vì vị nồng của nếp hòa với men cay của rượu có thể diệt trừ các loại ký sinh trùng này. Theo dân gian, rượu nếp được ăn vào lúc vừa ngủ thức dậy sẽ rất hiệu nghiệm.
Vì vậy, ở một số vùng của miền Bắc ngày nay, rượu nếp và đặc biệt là rượu nếp cẩm là thứ không thể thiếu vào dịp Tết Đoan Ngọ. Các gia đình có thể tự nấu cơm nếp và ủ rượu tại nhà hoặc lựa chọn mua ở các hàng quán có sẵn. Nếu tự ủ rượu, gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp thường là nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm. Sau khi chọn được nếp, người ta sẽ đồ lên thành xôi, để nguội rồi rắc thêm men và ủ trong 3 ngày. Thúng xôi được đặt lên phía trên một cái chậu, hứng lấy rượu để khi ăn trộn với cái, tạo ra một vị ngọt và cay rất đặc biệt.
- Bánh tro.
Bánh tro hay còn được gọi với cái tên khác là bánh gio, bánh nắng, bánh nẳng, bánh ú tro. Đây là loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm và lọc qua nước tro của một số cây. Tuy nguyên liệu dễ kiếm nhưng cách làm lại khá cầu kỳ. Nhưng nó lại là một loại bánh được lòng rất nhiều người bởi hương vị đặc trưng của cây nhà lá vườn, màu sắc bắt mắt và vị thanh mát, tan ngay trong miệng. Bánh thường có nhân đậu xanh hoặc không nhân. Vào dịp Tết Đoan Ngọ ở miền Trung và miền Nam trên mâm cúng thường không thể thiếu bánh gio, bởi người ta quan niệm vào dịp này bánh gio hay các món ăn chế biến có hấp thụ các đặc tính của cây cỏ sẽ dễ tiêu, giải nhiệt.
- Hoa quả.
Cũng như các dịp nghi lễ và ngày tết khác, việc dâng hoa quả lên cúng tổ tiên là một điều thiết yếu và không thể thiếu của mỗi gia đình. Hoa quả được lựa chọn để cúng và ăn vào dịp này thường là các loại hoa quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua. Việc cúng và ăn hoa quả đầu mùa như các loại: mận, vải, dưa hấu, chôm chôm, xoài, đào,…không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh, “sâu bọ” mà còn thể hiện ước muốn cây trái được mùa, đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
- Các món chè.
Các món chè có lẽ đã quá quen thuộc với ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt trong các dịp lễ tết, cúng kiếng lại càng không thể thiếu. Tuy nhiên, với từng vùng miền sẽ có từng món chè khác nhau. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ở miền Bắc sẽ nấu các món chè đỗ xanh, chè mật gạo nếp. Miền Trung sẽ có món chè kê, chè hạt sen thơm ngon với màu vàng óng ả đặc trưng. Còn miền Nam sẽ không thể thiếu chè trôi nước được làm từ bột nếp, mềm dẻo bên trong còn có nhân đậu xanh bùi, béo ăn cùng với nước cốt dừa ngọt thanh khiến cho ai đã từng nếm thử qua một lần cũng phải mê mẫn.
Có thể nói Tết Đoan Ngọ đã gắn liền với người dân Việt Nam bao đời nay và trở thành một nghi lễ truyền thống. Cho dù mỗi vùng miền có mỗi nét đặc trưng văn hóa riêng biệt nhưng cho dù khác biệt đến đâu thì tất cả người dân trên khắp đất nước Việt Nam cùng dành thật nhiều sự chăm chút và tình cảm cho cái Tết của mùa hè này.