Loading...

CỐM DẸP SÓC TRĂNG


Với người dân Khmer, trăng tháng 10 Âm lịch là trăng tròn, là biểu tượng cho những điều tốt lành của một năm mới tràn đầy hạnh phúc với một vụ mùa bội thu. Đây cũng là dịp người dân bày tỏ sự giao cảm với đất trời qua lễ hội Oóc-om-bok, hay còn gọi là lễ cúng trăng. Trong dịp này, ngoài các đồ cúng như trái cây, dừa, chuối,…thì không thể thiểu một sản vật đó là cốm dẹp.

CỐM DẸP SÓC TRĂNG

Không ai biết rõ cốm dẹp đã có từ khi nào, chỉ biết khi lớn lên hương vị ngọt ngào, dẻo thơm của cốm dẹp đã trở nên rất quen thuộc.

Khi mưa vừa dứt hạt, gió hiu hiu làm căng những bông lúa đầu mùa, người Khmer sẽ đua nhau hái những bông lúa nếp về làm cốm dâng lên cúng làm món quà đầu năm. Muốn có được một mẻ cốm ngon, dẻo thơm, người ta phải chọn lựa thật kỹ loại nếp ngon đầu mùa. Lúa nếp được chọn phải là loại nếp hạt dài, thơm, dẻo, vừa đỏ đuôi, vừa gặt về còn tươi non, chọn những hạt to mẩy nhất đem rang đều trên chảo nóng cho đến khi hạt nếp se vỏ, bốc mùi thơm thoang thoảng, nổ đều tanh tách là nhanh tay đổ ngay sang cối giã. Phải giã nếp bằng chày đôi, càng đều tay, càng mạnh, chắc dịp thì hạt nếp sẽ càng mau tróc vỏ. Sau khi giã cốm xong thì đổ ra nia sàng vỏ trấu và vụn cốm, chỉ giữ lại những cánh cốm mỏng, to đều và xanh óng.

Theo các nghệ nhân thì nghề làm cốm dẹp đã tồn tại từ rất lâu và được duy trì, phát triển đến ngày nay. Tuy nhiên không có bất cứ tài liệu nào ghi chép cụ thể về cái nghề truyền thống này và nghề làm cốm dẹp này phát triển theo hình thức “cha truyền con nối”, cứ liên tiếp như vậy lưu truyền tới ngày hôm nay.

Ngày xưa, người Khmer thường ăn cốm dẹp với tép rang hoặc trộn cốm dẹp với chuối ăn cho chắc bụng. Ngày nay, đã có nhiều cách chế biến cốm dẹp hơn như bánh tét, cốm dẹp nấu chè, cốm dẹp cuốn tôm, chả cốm…  nhưng ngon nhất vẫn là trộn cốm dẹp cùng với dừa rám nạo, một ít nước dừa và đường cát trắng.  Trung bình với khoảng 1kg cốm dẹp thì sẽ trộn cùng một trái dừa rám đã nạo, nước dừa và 0,5kg đường. Người ta sẽ dùng một cái thau rộng trộn cốm dẹp với đường và rưới nước dừa vào để khoảng 30 phút cho nước dừa và đường thấm đều vào cốm, khi cốm hơi mềm là dùng được. Trước khi ăn rắc thêm một ít dừa nạo, đậu phộng rang giã nhuyễn hoặc mè sẽ tăng thêm phần hấp dẫn và độ béo cho món cốm dẹp. Còn nếu muốn để ăn lâu ngày hoặc đem làm quà cho người thân, bạn bè ở xa, người ta thường sẽ gói cốm đã trộn sẵn trong lá chuối, lá dừa như đòn bánh tét, bánh dừa sau đó đem nấu hoặc hấp. Khi đó, ta có bánh tét cốm dẹp, ngon và lạ miệng so với bánh tét bình thường.

Trước kia, phần lớn các gia đình dân tộc Khmer chỉ biết giã cốm dẹp để làm lễ vật cúng trăng, rồi đem biếu bà con láng giềng hay thiết đãi bạn bè như một món quà dân dã. Nhưng ngày nay, vị ngọt thơm của cốm dẹp đã khiến nó trở thành một đặc sản, một món quà không thể thiếu khi khách du lịch đến Sóc Trăng thì đã xuất hiện nhiều làng nghề làm cốm dẹp hơn để có thể phục vụ cho du lịch. Trong đó phải kể đến các vùng như: Phú Tân (huyện Châu Thành), Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Châu Hưng (huyện Thạnh Trị)… 

Đặc biệt phải kể đến làng nghề Phước Quới, huyện Phú Tân đã tồn tại được gần một thế kỷ. Hằng ngày, bắt đầu từ 2 giờ khuya đến 8 giờ sáng và chiều từ 13 giờ đến 18 giờ, các hộ dân tại làng nghề Phước Quới sẽ cùng nhau làm cốm tại nhà hoăc đi làm cho những cơ sở cốm lớn. Các công đoạn để làm ra thành phẩm tuy nghe đơn giản nhưng lại rất cực nhọc, đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe và sự dẻo dai để có thể cầm chày, bởi mỗi cái chày nặng tới gần 10 kg, và mỗi ngày người thợ làm cốm phải giã từ 40 – 60 kg cốm.Mỗi ngày lao động như vậy, người lao động sẽ kiếm được trên 100.000VNĐ/ngày. Nhờ sự phát triển của món ăn đặc sản này mà hiện nay nhiều hộ gia đình tại Sóc Trăng cũng có được nguồn thu nhập ổn định, trở nên khấm khá mặc dù phải thức khuya, dậy sớm và tốn nhiều công sức khi lao động.

Trong quá trình hội nhập và phát triển như ngày nay, những làng nghề truyền thống đang được các cấp chính quyền quan tâm hơn. Bên cạnh một số cơ sở vẫn hoat động theo kiểu truyền thống thủ công thì cũng đã có một số cơ sở đã bắt đầu đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm để tăng năng suất sản xuất, tăng sản lượng, giảm sức lao động và chi phí để từ đó có thể tăng thêm lợi nhuận. Mặt khác, rất cần thêm những đề và những kế hoạch của các cơ quan ban ngành để xúc tiến phát triển du lịch gắn kết với các làng nghề truyền thống tại địa phương để có thể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng


Tin tức liên quan

Xem thêm