Loading...

NGHỀ GÁC KÈO ONG RỪNG U MINH HẠ


Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Cà Mau một hệ sinh thái rừng ngập lợ, rừng tràm U Minh. Rừng U Minh Hạ được nhiều người biết đến không chỉ là những cánh rừng bạt ngàn mà còn là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm như khỉ, nai, rắn, trăn,… Đặc biệt khi rừng tràm trổ bông cũng là mùa để cho những chú ong cần mẫn hút nhụy, ươm mật.

NGHỀ GÁC KÈO ONG RỪNG U MINH HẠ

Không biết từ bao giờ mà nghề gác kèo ong đã ăn sâu vào đời sống của người dân tại xứ rừng tràm U Minh Hạ này. Cho đến tận ngày nay, người dân sinh ra và lớn lên tại nơi đây không ai là không biết đến nghề gác kèo ong. Đây là nghề truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Lúc đầu người ta chỉ biết khai thác mật ong thiên nhiên, lâu dần, bằng những kinh nghiệm dân gian, người dân xứ rừng U Minh đã nghĩ ra cách gác kèo cho ong về làm tổ. Từ đó, nghề gác kèo ong đã ra đời.

Một người gác kèo giỏi cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và những bí quyết gia truyền để có thể dẫn dụ ong về làm tổ. Trong đó, trước tiên là biết chẻ kèo, đẽo kèo, biết chọn trảng, chọn luồng và dựng móng. Việc chọn trảng thường sẽ là những nơi có sậy nhưng thấp hơn ngọn tràm, cây tràm thấp và trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật và trảng phải có khoảng trống, diện tích rộng, có luồng sáng để ong có thể định hướng đi lấy mật. Đối với nghề này thì việc chọn trảng rất quan trọng. Nơi được chọn để gác kèo phải bằng phẳng và làm sao để mặt nước phản chiếu được ánh sáng mặt trời rọi đều vào tấm kèo thì mới có thể dẫn dụ đàn ong tới làm tổ. Để thực hiện việc gác kèo, người thợ phải chuẩn bị bộ kèo, bao gồm thân kèo, trụ đỡ và cây nạng. Những bộ kèo này thường sẽ được làm từ cây tràm, thân suông và có đường kính từ 10-15 cm, lột sạch vỏ, để khô ráo. Trước khi mang vào rừng, kèo thường sẽ được thoa một lớp sáp ong để mời gọi ong trinh sát. Đặt kèo xong, người thợ phải biết cách tủ chà và luôn giữ cho kèo được đứng vững. Nếu là một người thợ gác kèo giỏi thì tỉ lệ ong về sau khi gác kèo lên đến 80%. Thông thường thì ong tơ thì không kén kèo, còn ong lớn hơn thì lại rất kén kèo, kén trảng.

Vào tháng 10 âm lịch hằng năm, khi rừng U Minh hoa tràm đã nở rộ, các loài ong sẽ bắt đầu bay về tìm nơi xây tổ (người ta gọi đây là mùa ong hạn). Sau mùa lấy mật, người thợ thường sẽ không dời kèo mà chỉ dọn trảng, sửa kèo hoặc thay kèo, cắt tàn ong cũ, cạo sáp,… để ong về xây tổ mới. Sau khi ong xây tổ, khoảng 20 – 25 ngày nếu bông tràm trổ tốt và chuyển sang màu cỏ úa thì những tổ ong cũng đã đầy mật. Lúc đó những người thợ sẽ khăn gói, cơm nước vào rừng để “ăn ong”.

Để cắt được những tổ ong đầy mật, những người thợ sẽ cắt những rễ gừa (hay còn gọi là nhỏ gừa) đập nhuyễn, phơi khô, sau đó bó thành đuốc hun khói. Những chú ong mật rất kỵ hơi khói, chỉ cần thổi nhẹ một hơi khói rễ gừa thì ong sẽ say khói và bay ra khỏi tổ ngay. Những bó đuốc kiểu này rất có hiệu quả khi khai thác tổ ong nhưng lại dễ gây ra hậu quả là cháy rừng. Khi ong bay ra khỏi tổ, thợ sẽ cắt đi những “cục mứt” (phần chứa nhiều mật) mang về và sẽ chừa lại một phần tổ để cho đàn ong tiếp tục công việc xây tổ.

Khi đã cắt được những tàn ong đầy mật và mang về, người thợ sẽ dùng tay vắt lấy mật. Mỗi tổ ong sau khi bị “ăn” 3 – 4 lần thì ong sẽ bỏ đi nơi khác. Mỗi lần đi “ăn ong” người thợ sẽ mang về được hàng chục, thậm chí hàng trăm lít mật. Mật ong là thứ nguyên liệu quý trong ngành y học và chế biến thực phẩm, ngoài ra ong non cũng là món khoái khẩu của rất nhiều người. Mỗi khi trúng mùa, người ta thường mang ong non về nấu cháo, làm gỏi hoặc làm mắm ong. Còn phần còn lại của tổ ong sau khi đã lấy mật (thường gọi là sáp ong) sẽ được dùng làm nguyên liệu để sản xuất đèn cầy, đèn thắp sáng.

Mặc dù không có ai quy định nhưng những người thợ gác kèo ong cũng có những quy tắc riêng cho mình. Đã từ lâu, do phân chia địa bàn để gác kèo nên những người thợ này đã thành lập nên những tập đoàn Phong Ngạn. Mỗi tập đoàn Phong Ngạn này chỉ được gác kèo trên lâm phần của riêng mình, không được phép gác kèo sang những khu rừng khác. Một tập đoàn Phong Ngạn như vậy thường sẽ có từ 15 – 30 thành viên, đa số là dòng họ hoặc cư dân trong cùng một xóm. Khi gác kèo, mỗi thành viên phải đăng ký kí hiệu với tập đoàn trưởng và khắc kí hiệu đó lên kèo của mình. Cũng có một số trường hợp cá biệt là thành viên ăn cắp kèo của nhau. Trong trường hợp này nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý bằng cách xóa tên, khai trừ ra khỏi tập đoàn. Nhờ quy định đó mà đã hạn chế được tình trạng ăn trộm kèo lẫn nhau trong nghề.

Nghề gác kèo ong là một nghề rất đặc biệt và đặc trưng của vùng U Minh Hạ, thể hiện rõ nét những dấu ấn của các bậc tiền nhân. Họ đã sáng tạo để lại cho đời một nghề nghiệp hết sức độc đáo và để lại cho con cháu một sản phẩm tinh thần vô cùng đặc sắc, đó là những kinh nghiệm, tri thức quý báu được tích lũy từ cuộc sống hàng ngày và thích nghi với môi trường trong quá trình khai hoang mở cõi.  Nhằm ghi nhận sự sáng tạo và mang tính đặc trưng đó của người dân vùng đất rừng U Minh Hạ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Trải qua bao thế hệ, nghề gác kèo ong không trị mang lại giá trị về kinh tế, là nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình mà còn mang lại giá trị văn hóa địa phương đậm đà bản sắc. Hiện nay nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được khai thác để phục vụ du khách nếu có cơ hội đến vùng đất Cà Mau.

Tin tức liên quan

Xem thêm