Tranh thờ người Giáy
Người Giáy, hoặc một số dân tộc khác cũng đang sinh sống tại miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Dao đều có cho mình một hệ thống tranh thờ phục vụ cho việc tín ngưỡng của họ. Đối với mỗi thầy cúng, tranh thờ là báu vật thiêng liêng và vô giá, đồng thời cũng là tài sản riêng của họ. Tranh được thể hiện cả trên vải và giấy, đối với trên vải là những hình vẽ hoặc đường thêu bằng chỉ màu, còn đối với trên giấy thì có thể sẽ được cắt giấy trổ hình hoặc vẽ trực tiếp trên nó. Giấy dùng để vẽ tranh là loại giấy dó mềm và dễ vẽ, thấm màu nhanh và giữ được màu lâu, còn vải thì là loại được dệt từ sợi bông, thô dày nhưng vô cùng bền chắc. Màu vẽ được lấy từ nguyên liệu trong thiên nhiên như màu xanh, màu chàm. Từ xa xưa, những người vẽ tranh thờ đã biết đến những nguyên liệu dưới xuôi như thần sa và chu sa để chấm màu trên những bức vẽ. Tất cả màu sắc sẽ được kết hợp với những nét u huyền của màu mực đen, tạo nên một bức tranh rất thiên nhiên, rất độc đáo bản sắc văn hóa tín ngưỡng.
Tuy được xếp vào dòng tranh nghệ thuật dân gian nhưng thực ra tranh thờ từ xa xưa đều do các họa sĩ có tay nghề chuyên nghiệp làm ra một cách công phu. Nguyên nhân do khi xem những bức tranh cũ để lại, người ta phát hiện những nét bút họa trên ấy vô cùng tỉ mỉ và sắc sảo. Chính điều đó tạo nên tính đặc trưng của dòng tranh thờ người Giáy. Để vẽ một bộ tranh thờ, gia chủ sẽ mời thợ vẽ về nhà. Thợ vẽ sau khi về nhà gia chủ sẽ được họ chu toàn ăn uống cho đến khi hoàn thành tác phẩm của mình. Mỗi bộ tranh như vậy có tầm chục bức. Khi bắt đầu vẽ, gia chủ thường sẽ thực hiện một lễ ra mắt, lúc vẽ xong thì sẽ báo cáo với tổ tiên là đã vẽ xong. Ngày nay, số thợ vẽ tranh thờ ngày một ít dần đi. Những mẫu vẽ truyền thống trước kia thường được lưu truyền theo cách cha truyền con nói, song đến nay đang ngày một mất dần. Nguyên do có thể do kỹ thuật cổ để vẽ khá là phức tạp và ít người theo được.
Bộ tranh thờ của người Giáy gồm 36 bức và may mắn thay, hiện nay vẫn chưa có bức nào bị mai một. Những bức tranh thờ vẫn luôn là những báu vật thiêng liêng trong bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Giày. Trong bộ tranh thờ có bức tranh chủ Tổ sư lục hợp - một nhân vật uy quyền trong tín ngưỡng đạo giáo. Đây là một bức tranh không thể thiếu trong các buổi lễ. Người Giáy tin rằng nếu thiếu ông thì sẽ không thể đủ quyền uy để thực hiện nghi lễ. Ngoài bức tranh chủ, trong hệ thống tranh thờ của người Giáy còn có bức Bát quái vô danh dành riêng cho việc cúng xúi quẩy. Bức tranh mang một hình thức rất đặc biệt, một màu văn hóa dân gian từ trong ra ngoài. Bức tranh sử dụng vải diềm bâu tự dệt, họa lên ấy là các nét vẽ bằng mực nho và mực nước. Khổ tranh rộng 0,20m, dài 4,90m. Tranh sẽ được treo lên cây sào giữa nhà trong quá trình cúng. Có 32 khổ hình và các hình vẽ trên tranh được trình bày theo lối kể chuyện. Các câu chuyện đời thường sẽ được kể bằng những đoạn tranh dễ hiểu và hồn nhiên. Mở đầu là hình ảnh mặt trời, mặt trăng và các thần như thần Thiên lôi, thần mưa, thần gió. Tiếp đến là các sinh vật kỳ dị như Phượng 9 đầu, chó 9 đuôi, cua 8 càng. Sau đó là những hình ảnh về cái hư cái xấu trong cuộc sống, cuối cùng là cảnh xua đuổi ma quỷ ra 5 cửa biển. Thông qua bức tranh, có thể thấy rằng không phải lúc nào tâm linh con người cũng bị chi phối bởi tín ngưỡng mà thông qua tín ngưỡng, con người còn có thể bộc lộ nhân sinh quan trước những thói hư tật xấu…