Văn hóa người Mông và sự bảo tồn nguyên vẹn bản sắc truyền thống
Dân tộc Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, cư trú ở hầu các tỉnh miền núi phía bắc, trên những vùng núi có độ cao từ 1000m trở lên. Người Mông phân chia thành 4 nhóm: Mông Hoa – Mông Đen – Mông Xanh – Mông Trắng. Tuy có 4 nhóm Mông khác nhau nhưng về ngôn ngữ và văn hóa cơ bản giống nhau. Sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.
Trong các tộc người phía bắc Việt Nam, người Mông đặc biệt bởi sự thích nghi và sinh tồn, đúng như câu dân ca Mông: “Loài cá sống ở nước, loài chim bay trên trời, người Mông sống ở núi”.
Người Mông thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao trong điều kiện khó khăn nhưng cũng hùng vĩ và thơ mộng.
Không gian sống của người Mông luôn là câu hỏi lớn của nhiều người, họ luôn chọn sống nơi lưng trời. Nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãng, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, quyết không rời bỏ quê hương, dòng tộc. Chính vì vậy, người Mông có câu tục ngữ: “Không có đỉnh núi cao hơn đầu gối người Mông”.
Từ sự thích nghi với hoàn cảnh sống, người Mông sáng tạo ra những hình thức canh tác mới cũng như những điều kiện văn hóa cho phù hợp để có thể sinh tồn trên những đỉnh núi cao của mình.
Nếu như các tộc người khác thường sống ẩn cư và hòa hợp cùng các tộc người trong một bản, làng thì người Mông lại ít khi sống xen kẽ cùng các tộc người khác mà cư trú tập trung trong dân tộc mình. Đối với người Mông, thiết chế dòng họ đóng vai trò rất quan trọng, mỗi họ lại có quy định, luật lệ khác nhau, mọi người trong họ phải tuân theo quy định, luật lệ đó. Đồng bào Mông cho rằng, những người cùng dòng họ là anh em cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cưu mang nhau trong nguy nan.
Người Mông là dân tộc theo chế độ phu hệ, tính phụ quyền trong gia đình người Mông rất mạnh. Người đàn ông đóng vai trò quyết định mọi việc trong gia đình và là người thừa kế tài sản trong gia đình. Việc kết hôn, sinh con nhằm nâng cao uy tín dòng họ và tăng cao lực lượng lao động cho gia đình nên người Mông sinh rất nhiều con và coi trọng con trai để nối dõi, thờ cúng ông bà tổ tiên.
Một đứa bé được sinh ra việc quan trọng đầu tiên là làm lễ đặt tên. Lễ đặt tên có vị trí rất quan trọng liên quan đến các nghi lễ vòng đời của dân tộc Mông. Từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt trở về với tổ tiên, người Mông trải qua rất nhiều các nghi lễ như lễ đặt lại tên đệm đối với người đàn ông, lễ cưới,… trong đó lễ đặt tên là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người đối với bé trai vì sự kỳ vọng khi lớn lên sẽ trở thành trụ cột của gia đình và dòng họ.
Những bô lão người Mông thường tự hào nói rằng con trai Mông trưởng thành phải biết cày nương, rèn phách và thổi khèn. Nếu trong lao động, đàn ông Mông luôn thể hiện sự mạnh mẽ, trụ cột gia đình thì nét tài hoa lại được thể hiện qua tài năng múa khèn, thổi khèn như những nghệ sĩ thực thụ. Khèn không đơn giản là một phương tiện giải trí mà là đem tài nghệ của mình thông qua tiếng khèn, những chàng trai Mông sẽ tìm được một nửa của mình. Cũng như tài múa khèn và khiến cho cây khèn dường như vô tri kia cất lên những âm thanh du dương mà những chàng trai Mông tìm cho mình những người phụ nữ phù hợp nhất.
Không quá khó để có thể bắt gặp những hình ảnh bình yên, mộc mạc ở nơi đây khi du khách đặt chân đến bản Mông. Cả không gian núi rừng như tĩnh lặng và thời gian trôi chậm đi bởi sự thanh bình đến giản dị đó. Người con gái Mông nào cũng biết tự trồng lanh, dệt vải may áo cho mình, cách làm lanh của những con người nơi đây tạo nên đức tính nhẫn nhịn, kiên cường của người phụ nữ Mông, hay chính là bởi sự nhẫn nại tuyệt vời trong bản chất của người phụ nữ Mông mà cây lanh gắn bó được với dân tộc này cho đến ngày nay. Họ bảo đi nương về mệt, ngồi nối sợi hay dệt vải, thêu thùa là nghỉ ngơi, là giải lao. Phụ nữ Mông cái tay không biết mệt, cái chân không biết mỏi, mỗi sản phẩm thổ cẩm đều đậm sâu hình ảnh, phẩm chất cần cù, chịu khó và khéo léo của những phụ nữ Mông.
Nhắc đến đồng bào Mông, người ta không thể nào không nhắc đến những phiên chợ. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hóa, vừa là nơi gặp gỡ các tầng lớp trong xã hội. Chợ phiên quy định họp 6 ngày một lần, có nơi 5 ngày một phiên. Những ngôi nhà người Mông thường cách nơi họp chợ rất xa, có khi đến vài ngọn núi nên ngay từ lúc còn chưa rạng, núi rừng vẫn còn yên mình trong giấc ngủ say thì người Mông đã đèo gù trên lưng và đi chợ. Những cô gái Mông thường chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất, chải tóc gọn gàng xinh xắn để đi chơi chợ. Chiếc áo đính kim tuyến lóng lánh, váy xòe hoa mười màu, đôi giày đỏ thường ngày không có cơ hội mặc chỉ dành cho những dịp quan trọng, và phiên chợ là một trong những dịp như thế.
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống dân tộc Mông đã được nâng cao. Với các Chương trình: 135, 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống tinh thần ngày một đa dạng, phong phú. Tin rằng, nền văn hóa dân tộc Mông sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển nhờ ý thức của chính họ ở gia đình, dòng họ và cộng đồng. Và, nền văn hóa ấy sẽ được tiếp nối, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.