Độc đáo Lễ Tết nhảy của người Dao Tiền
Lễ Tết nhảy diễn ra liên tục 3 ngày 3 đêm, từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 2 Tết, nó được tổ chức tại nhà trưởng họ vì nơi này có hung lầu - bàn thờ tổ tiên của cả họ. Tổ chức Lễ Tết nhảy, người ta phải tấp nập chuẩn bị từ tận 26 Tết, họ cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: 6 cây tre tươi, 6 cây mía, bột nếp, chiêng, trống, chuông nhỏ, các loại kiếm, gậy gỗ. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, những người chuẩn bị Lễ sẽ mời từ 3 đến 4 thầy cúng để thực hiện các nghi lễ. Vào ngày 29 Tết sẽ diễn ra các hoạt động như làm bánh và nặn bột nếp để tạo thành những quả tròn gắn lên thân và cành tre, sau đó sẽ dựng 6 cặp tre và mía, dựng thành hai hàng đặt cạnh bàn thờ tổ tiên. Cây tre có nhiều quả sẽ tượng trưng cho cây Sấu (ma clấu đéng), còn cây mía thì tượng trưng cho cây trò chỉ (ba đào). Cả hai loại cây đều thể hiện sự gắn bó và gần gữi với thiên nhiên từ những ngày xa xưa của người Dao Tiền.
Tối 29 tết và đêm 30 tết diễn ra nghi lễ Khai lễ (Khoi nháng) và Púng Nháng. Cả gia đình sẽ phải chuẩn bị một mâm cúng hoành tráng để mời ông bà tổ tiên cùng các vị thần linh đến dự lễ. Sau đó, tất cả mọi người sẽ cùng quây quần bên những điệu múa xòe hấp dẫn. Sau giây phút giao thừa, lần lượt tiến hành các nghi lễ như: Xuất Panh (tiễn đưa cái xấu của năm cũ) và Siêu Panh (Đưa các đồ vật vào nhà nhằm mong muốn nhận được nhiều điều may mắn).
Kế đến phải kể đến nghi lễ Tạ ơn hay còn được gọi là Pái nháng. Mọi người đàn ông trong gia đình, không kể độ tuổi đều buộc phải có mặt tại nhà trưởng họ, sau đó xếp thành hàng ngang quỳ xuống trước mặt linh cửu tổ tiên để lạy trời tạ đất. Đây là nghi lễ dành lòng biết ơn cho những vị tổ tiên, cho trời, cho đất vì đã mang đến cho họ những điều tốt đẹp trong một năm qua, đồng thời cũng là cách để xin những điều tốt đẹp tiếp tục đến bên họ trong năm mới. Tiếp theo, không thể không kể đến nghi lễ xòe vòng (Chuột dung) - Nghi lễ mà chỉ có đàn ông và con trai trong họ mới được tham dự. Đây là nghi lễ những người già truyền lại những bài hát cúng, bài ca nghi lễ cho con cháu. Trong ngày mồng 1 tết, các nghi lễ như “Xuất panh”, “Siêu panh” và “Tạ ơn trời đất” sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến đêm mùng 1 tết là đêm cuối cùng của lễ “Tết nhảy”, mọi người tham gia lễ sẽ cùng hòa nhịp vào điệu múa xòe hết sức tưng bừng, vui vẻ.
Ngày mồng 2 tết là ngày kết thúc lễ Tết nhảy (Siêu nháng). Vào ngày này, gia đình sẽ chuẩn bị mâm và lễ vật để cúng dâng lên miếu làng. Sau đó, họ trở về nhà trưởng họ, chọn 3 người đàn ông thực hiện nghi lễ “chặt” cây, tất cả mọi người sẽ cùng nhau cố gắng nhặt lấy cho mình một thanh mía hoặc một loại quả nào đó để lấy sự may mắn.
Lễ Tết nhảy là thời điểm để sum họp dòng họ, để mọi người có dịp gặp gỡ và trao nhau những lời chúc tốt đẹp, đây là ngày vui của toàn cộng đồng. Tuy Lễ ít được người ngoài biết đến nhưng đối với người Dao, nó lại mang vô cùng nhiều ý nghĩa. Lễ là sợi chỉ gắn kết cộng đồng dân tộc Dao Tiền bền chặt bao đời nay. Cứ mỗi dịp xuân về, ta lại có cơ hội được lắng nghe những âm thanh của trống, của chiêng, được chứng kiến những điệu múa chuông trong Lễ Tết nhảy tạo nên một nét văn hóa tươi đẹp trong các dân tộc người Dao Tiền.