Loading...

RAU ĐỌT CHOẠI – RAU DẠI DÂN DÃ Ở MIỀN TÂY


Rau đọt choại hay còn gọi là rau chạy là một loại rau mọc dại ở miền Tây, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười. Không ai biết nó có từ khi nào chỉ biết nó đã xuất hiện rất lâu trong cuộc sống của người dân miền Tây.

RAU ĐỌT CHOẠI – RAU DẠI DÂN DÃ Ở MIỀN TÂY

Người dân nhiều nơi trong quá trình khai hoang đã thuộc nằm lòng những câu ca dao:

“Rủ nhau lên đất Bảy làng

Hái rau choại chột nhổ bàng về đương

Choại chột thì chấm nước tương

Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm.”

Rau đọt choại hầu như có mặt ở khắp nơi trong vùng Đồng Tháp, đặc biệt là những vùng đất nhiễm phèn như Tân Phước. Rau đọt choại thuộc họ dây leo, thân bò đến đâu thì rễ sẽ bám đến đấy, nó dễ dàng sống được trong vùng bưng, vùng trũng nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh. Chúng phát triển quanh năm nhưng vào mùa mưa sẽ sinh trưởng nhiều hơn, đặt biệt càng hái nhiều thì đọt non sẽ ra càng nhiều. Vì là rau dại, mọc tự nhiên um tùm thành từng đám lớn nên người dân phải bỏ công len sâu vào từng bụi rau để hái từng đọt một.

Khi ăn rau choại ta chỉ ăn phần đọt non còn uốn cong, có màu xanh mướt gọi là chột, hoặc ăn luôn cả phần ngó vươn dài như đầu ngón tay út, ngoài ra ta cũng có thể ăn luôn phần đọt đã ra vài bẹ lá lơ thơ.

Đọt choại có hương vị ngọt thanh, ăn vào có cảm giác hơi trơn giống đậu bắp nhưng vị ngọt và ngon hơn.

Đọt choại từ lâu đã trở thành loại rau quen thuộc với người dân miền Tây trong những bữa cơm. Các món ăn chế biến từ loại rau dại này cũng rất đa dạng và phong phú. Từ món bình dân như đọt choại luộc chấm nước tương cho những bữa ăn vội vã để kịp ra đồng và sẽ trọn vẹn hơn nếu đọt choại luộc mà có thêm dĩa cá lóc hay cá trê đồng chiên giòn kèm chén mắm gừng chua ngọt. Theo người dân địa phương, để luộc được đọt choại một cách ngon nhất thì trước khi bắt nước lên luộc nên cho vào nồi một ít nước cốt chanh, khi nước sôi thật già mới cho rau vào đảo đều 1 – 2 phút là vớt ra ngay thì đọt choại mới xanh mướt và giòn. Cầu kỳ hơn có thể chế biến món đọt choại xào thịt bò hay đọt choại xào tép. Để chế biến món này ngon, trước hết phải chần nhanh rau qua nước sôi, vớt ra để ráo. Sau đó phi thơm hành, tỏi rồi cho thịt bò hoặc tép đã ướp gia vị vào xào cho thấm, cho tiếp rau đọt choại vào xào đến khi chín đều. Cho ra dĩa, thêm một ít hành lá xắt nhuyễn và tiêu xay, kèm một chén nước tương hoặc nước mắm chua ngọt thì ngon xuất sắc.

Ngoài ra, đọt choại cũng thường được người dân dùng kèm với các món lẩu như lẩu chua, lẩu ngọt bởi cái vị chan chát, bùi bùi đặc trưng của đọt choại hòa quyện với các loại rau khác sẽ làm cho thực khách cảm thấy thích thú. Còn một cách chế biến nữa không thể không nhắc đến đó chính là nấu canh tập tàng, một món canh rất đỗi quen thuộc với người dân miền Tây. Gọi là canh tập tàng vì đây là món canh được canh được nấu bởi nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà như rau dền, rau sam, rau dịu, đọt nhãn lồng, mồng tơi,…và tiện tay hái thêm mớ rau choại. Rau choại dùng để nấu canh tập tàng phải dùng phần lá non đã ra khoảng 5 – 7 bẹ thì mới ngon đúng điệu. Một nồi canh rau tập tàng ăn cùng cá lóc đồng hoặc là khô cá rô, cá sặc sẽ tạo nên vị ngọt riêng biệt. Nếu bạn là người thích thưởng thức món ăn đậm đà thì ta có thể cho thêm chút mắm cá đồng vào trong canh để tăng hương vị.

Nếu muốn có những rổ rau choại tươi ngon thì chúng ta phải thức dậy khá sớm. Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá là lúc những người nông dân sẽ thu hoạch rau để kịp phiên chợ sáng. Nếu các bạn có dịp đi trên tuyến đường Tỉnh lộ 865 và 867, hãy dừng chân vào các quán ăn, nhà hàng, khách sạn để thưởng thức những món ăn được làm từ rau choại. Loại rau rừng tự nhiên, đảm bảo về độ sạch khi ăn vào có vị nhơn nhớt đặc trưng mà không loại rau nào có được.

Tin tức liên quan

Xem thêm
Các tour liên quan
Xem thêm